• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiểu thế nào về Giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch COVID-19

          Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 trong đó yêu cầu áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người trong phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp đó, ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ thị này đã nâng mức giãn cách xã hội lên mức cao hơn. Vậy, Giãn cách xã hội là gì?

           

          Giãn cách xã hội có nghĩa là thực hiện các thay đổi trong thói quen hàng ngày của bạn để giảm thiểu tiếp xúc gần với những người khác. Giãn cách xã hội hay cách ly xã hội còn gọi là cách ly địa lý, có nghĩa là giữ khoảng cách an toàn giữa người/nhóm người không cùng gia đình. Khoảng cách an toàn trong giãn cách xã hội là khoảng 02 mét. Tránh xa những nơi tụ tập đông người và những cuộc họp mặt. Tránh tiếp xúc với những người chịu nguy cơ cao hơn với dịch bệnh (người lớn tuổi, người có sức khỏe kém, người nguy cơ mắc COVID-19, người mắc COVID-19…).
          Thực hiện Giãn cách xã hội như thế nào?
          Bạn ở nhà càng nhiều càng tốt, bao gồm cho các bữa ăn và nhu cầu giải trí. Chào hỏi bằng cách vẫy tay thay vì bắt tay, ôm hoặc hôn. Mua sắm vào những giờ thấp điểm (ví dụ: đêm khuya hoặc sáng sớm). Tổ chức các cuộc họp và các buổi vui chơi cho con bạn qua mạng. Sử dụng công nghệ để giữ liên lạc với bạn bè và gia đình. Tập thể dục ở nhà. Làm việc tại nhà. Sử dụng dịch vụ giao đồ ăn hoặc mua sắm trực tuyến.
          Vì sao phải giãn cách xã hội ?
          COVID-19 lây nhiễm chủ yếu qua việc tiếp xúc gần (trong khoảng 2m) với thời gian dài. Sự phơi nhiễm xảy ra khi các giọt bắn từ mũi, miệng của người mắc bệnh khi ho, hắt hơi hoặc nói chuyện bắn ra và bay vào không khí. Người tiếp xúc gần có thể hít các giọt nhỏ đó vào phổi.
          Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng cũng góp phần trong việc lây lan COVID-19, vì có thể phát tán virus trước khi họ có biểu hiện bệnh. Vì vậy, điều quan trọng là giãn cách với người khác ít nhất 02m khi có thể, ngay cả khi bạn hoặc người khác không có bất kỳ triệu chứng nào. Khoảng cách xã hội đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng do COVID-19 như người già, người có bệnh mạn tính.
          Virus SARS-COV-2 có thể sống nhiều giờ hoặc nhiều ngày trên các bề mặt, tùy thuộc vào một số yếu tố như ánh sáng mặt trời, độ ẩm và loại bề mặt. Một người có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 nếu như hít vào không khí khi ở gần người bị nhiễm bệnh đang thở ra những giọt nhỏ và các hạt có chứa vi-rus; hoặc để những giọt nhỏ và các hạt có chứa vi-rus rơi vào mắt, mũi hoặc miệng thông qua sự bắn tóe và tia xịt như ho hoặc hắt hơi; hoặc chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay có vi-rus trên đó. Giãn cách xã hội giúp hạn chế cơ hội tiếp xúc với các bề mặt bị ô nhiễm và những người nhiễm bệnh trong cộng đồng.
          Đại dịch COVID-19 đòi hỏi mỗi người phải luôn chủ động, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, của Bộ Y tế chỉ đạo, trong đó có việc thực hiện Giãn cách xã hội để giúp làm chậm sự lây lan của dịch COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.


Tác giả: Nguyễn Hiệu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết