Thái Bình: Bảo đảm sẵn sàng thu dung, điều trị trong tình huống dịch COVID-19 lan rộng trên địa bàn tỉnh
Với mục tiêu phân luồng, cách ly sớm, điều trị kịp thời các bệnh nhân mắc COVID-19 hạn chế tối đa trường hợp diễn biến nặng, tử vong; kiểm soát lây nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh; áp dụng phương châm 3 trước và 4 tại chỗ, ngành Y tế Thái Bình đã xây dựng dự thảo kế hoạch bảo đảm thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
Trong dự thảo kế hoạch, ngành Y tế đưa ra nội dung đáp ứng thu dung, điều trị cho 1.040 ca bệnh và hơn 1.040 ca bệnh. Cụ thể, trong tình huống có khoảng 1.040 ca bệnh sẽ phân 5 cấp độ điều trị theo số lượng người nhiễm, nghi nhiễm. Tổng nhân lực chuyên môn tham gia điều trị là 300 bác sĩ và 649 điều dưỡng, kỹ thuật viên. Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực thu dung, cách ly điều trị các trường hợp mức độ rất nặng và nguy kịch, tối đa 40 ca. Các bệnh viện dã chiến sẽ được triển khai lần lượt tại Bệnh viện Phổi Thái Bình, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa và Bệnh viện Thái Bình.
Trong tình huống dịch lan rộng hơn 1.040 ca, địa điểm thu dung, điều trị ca bệnh không triệu chứng và thể nhẹ dự kiến là Trường Đại học Thái Bình, Ký túc xá Trường THPT Chuyên Thái Bình và 4 bệnh viện hạng 3 tại Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Tiền Hải. Tổng nhân lực có thể tham gia điều trị là 600 bác sĩ và 1.200 điều dưỡng. Ngành Y tế cũng đưa ra dự kiến số bệnh nhân mắc COVID-19 có thể điều trị thêm là 2.000 bệnh nhân.
Ngoài một số kế hoạch đã được phê duyệt, ngành Y tế tiếp tục rà soát, hoàn thiện các điều kiện sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, bảo đảm sẵn sàng thu dung, điều trị trong tình huống dịch lan rộng trên địa bàn tỉnh.
Các Bệnh viện cần tiếp tục đề cao tinh thần chống dịch, kiểm soát chặt chẽ công tác phân luồng, sàng lọc các đối tượng đến bệnh viện. Đặc biệt khi tiến hành điều trị bệnh nhân COVID-19 cần nâng cao năng lực phòng dịch cho đội ngũ nhân viên y tế, bảo đảm an toàn, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo; chủ động xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với mọi tình huống, cấp độ diễn biến của dịch bệnh./.