Phun hóa chất diệt muỗi diện rộng phòng, chống Sốt xuất huyết
Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 43.075 trường hợp mắc Sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 03 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh, số mắc tập trung nhiều tại khu vực miền Nam và khu vực miền Trung. Hiện nay đang là cao điểm mùa dịch, dịch bệnh có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây. Để chủ động, tích cực phòng, chống, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngày 29 tháng 7 năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 4038/BYT-DP, đề nghị Viện trưởng các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Pasteur, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tập trung giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn phụ trách, đặc biệt đối với các tỉnh đang có số mắc SXH gia tăng. Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho các địa phương triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các điểm nóng, nguy cơ bùng phát dịch. Tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế Dự phòng) kết quả chi tiết các hoạt động phòng, chống đã triển khai của khu vực và các địa phương hàng tuần.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống SXH, đặc biệt là các nội dung sau:
- Triển khai ngay chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Chỉ đạo địa phương tổ chức triển khai hàng tuần chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng/bọ gậy phòng, chống SXH tới tận thôn/ấp, xã/phường, đặc biệt tại khu vực đang ghi nhận ổ dịch và khu vực có nguy cơ cao, thống kê báo cáo hằng tuần qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
- Tổ chức tập huấn và tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt loăng quăng/bọ gậy, xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế các tuyến và đội ngũ cộng tác viên.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu nguy cơ, sự nguy hiểm của bệnh SXH và hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
- Rà soát kế hoạch phòng, chống SXH trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cân đối ngân sách, cấp và bổ sung kinh phí kịp thời nhằm đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị và kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
- Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch SXH trên địa bàn, đặc biệt tại các tháng cao điểm và tại các khu vực có nguy cơ cao.
Nguyễn Hiệu