Sẵn sàng chung sống an toàn với dịch COVID-19 sau cách ly xã hội
Có thể nói, đại dịch COVID-19 là đại dịch nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, tính đến ngày 07/5/2020 trên Thế giới đã có 214 quốc gia với 3.744.021 người mắc, cướp đi sinh mạng của 258.873 người và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hơn 03 tháng qua, đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của mọi người dân trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ, các Bộ, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương đã phải điều chỉnh một số chính sách phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và trật tự an toàn xã hội. Cách ly xã hội trong thời gian vừa qua là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân.
Hiện nay, do chưa có loại thuộc đặc trị bệnh COVID-19, cũng chưa có vắc xin để phòng ngừa, cho nên cần có giải pháp hiệu quả để sống chung với đại dịch COVID-19. Việc cách ly xã hội sẽ được nới lỏng, nhà máy phải hoạt động sản xuất, học sinh phải đến trường, giao thông nới lỏng và xuất nhập khẩu hàng hóa cần được khai thông,…để phát triển kinh tế, tránh để tình trạng kinh tế trì trệ, chậm tăng trưởng, ảnh hưởng tới những mục tiêu lâu dài về phát triển kinh tế, xã hội là mục tiêu song song của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Và như vậy, sẵn sàng “Chung sống an toàn với dịch COVID-19” sau thời gian giãn cách xã hội nhưng không chủ quan - đây là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Thông báo số 170/TB-VPCP ngày 28/4/2020 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19.
Để sẵn sàng “Chung sống an toàn với dịch COVID-19”, rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Đối với Nhà nước cần phải có giải pháp cụ thể để khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm như không đeo khẩu trang nơi công cộng, vi phạm quy định về cách ly y tế, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng và khai báo y tế không trung thực,…Đặc biệt, là các hành vi tung tin sai sự thật trên mạng xã hội gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Đối với người dân cần phải chủ động khai báo y tế, đeo khẩu trang nơi công cộng; thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn; hạn chế tập trung đông người nơi công cộng, ra đường khi thật cần thiết; khi người dân có biểu hiện nhiễm bệnh phải thông báo kịp thời để cơ quan y tế thực hiện quy trình xét nghiệm và cách ly y tế. Đối với nhà trường, cơ sở giáo dục phải thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, sinh viên. Đối với nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, buôn bán cũng phải đảm bảo an toàn cho công nhân và người lao động. Và khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát phải tuân thủ các biện pháp của các cơ quan chức năng như tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch, chấp hành các biện pháp cách ly xã hội, chủ động khai báo y tế và xét nghiệm để ngặn chặn dịch bệnh. Có như vậy, chúng ta mới có thể “Chung sống an toàn với dịch COVID-19”.
Sau đây là nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 28/4/2020:
1. Thủ tướng Chính phủ biểu dương các cấp các ngành, lực lượng tham gia trực tiếp công tác phòng chống dịch đã liên tục ngày đêm đảm bảo an toàn cho người dân. Cả nước đã có 12 ngày không phát hiện thêm trường hợp nhiễm Covid-19 tại cộng đồng; khoảng 60% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có dịch, hệ số lây nhiễm được kiểm soát, vào hàng thấp nhất thế giới; nước ta đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi dịch bệnh. Đó là kết quả của chiến lược, các biện pháp phòng chống dịch đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp.Tuy nhiên, diễn biến dịch ở các nước trên thế giới, kể cả những nước gần Việt Nam vẫn rất phức tạp, đòi hỏi cả nước tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải luôn luôn sẵn sàng ở mức cao nhất, đặc biệt là đối với lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch.
2. Các cấp, các ngành, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện chiến lược phòng, chống dịch đã đề ra, kiên quyết ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập, cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta một cách phù hợp và người bị nhiễm bệnh; nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả; theo dõi chặt chẽ sức khỏe những người đã khỏi bệnh, xử lý kịp thời các trường hợp tái phát.
3. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế cần tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài (qua đường hàng không, hàng hải, đường thủy, đặc biệt là qua tuyến biên giới trên bộ, chú ý qua cửa khẩu hoặc đường mòn, lối mở).Tiếp tục cho phép nhập cảnh đối với các trường hợp là chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư... nhưng phải thực hiện biện pháp cách ly phù hợp yêu cầu phòng, chống dịch. Bộ Y tế, Bộ Công an phối hợp với các bộ ngành, địa phương có phương án giám sát y tế đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam mà không phải cách ly tập trung 14 ngày.
4. Tiếp tục nới lỏng các hạn chế, khôi phục dần các hoạt động kinh tế - xã hội, khởi động tích cực và cần tăng tốc ở những lĩnh vực có hệ số an toàn cao, trên cơ sở bảo đảm phòng, chống dịch chặt chẽ.
Các bộ ngành, địa phương cần có phương án tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu, cung cầu hàng hóa, sản phẩm thiết yếu, phù hợp mức nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên từng địa bàn. Lưu ý việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không được cao hơn yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và phải tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là cấp cơ sở quan tâm chỉ đạo thực hiện “mục tiêu kép” với tinh thần chung là chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo bảo đảm một kỳ nghỉ lành mạnh, an toàn cho người dân, ngăn ngừa dịch bệnh, an toàn giao thông.
Người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ; các đơn vị phân công người trực; riêng hệ thống phòng, chống dịch bệnh phải hoạt động 100%, nhất là trong trong dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và 01 tháng 5 tới đây.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể công tác bảo đảm an toàn cho học sinh sinh viên, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện. Mở lại hoạt động du lịch nội địa, lưu ý việc bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch và không tập trung đông người.
6. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện ngay các thủ tục cần thiết, tháo gỡ ngay các rào cản để xuất khẩu khẩu trang y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế, lưu ý việc quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Hoan nghênh các tập đoàn, doanh nghiệp, đơn vị (như Tập đoàn Vingroup, Đại học Điện lực và nhiều đơn vị khác) đã nghiên cứu sản xuất máy thở, trang thiết bị, sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch trong nước và xuất khẩu.
7. Đồng ý bãi bỏ giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ. Văn phòng Chính phủ khẩn trương lấy ý kiến Thành viên Chính phủ về việc này.
8. Giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch xây dựng Phương án ứng phó khẩn cấp để truy vết, khoanh vùng kịp thời khi phát hiện nguy cơ lây có ca xâm nhập.
9. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan rà soát lại năng lực các khu cách ly tập trung, cải thiện cơ sở vật chất các khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận và thực hiện cách ly tập trung công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời gian tới (nếu có), bảo đảm an toàn.
10. Bộ Giao thông vận tải căn cứ diễn biến dịch, nhu cầu đi lại của nhân dân, hướng dẫn việc bảo đảm an toàn và quyết định việc tăng dần tần suất các chuyến bay nội địa, vận chuyển hành khách bằng ô tô, tàu hỏa.
11. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hoàn thiện phần mềm cài đặt trên điện thoại và đề xuất giải pháp kiểm soát.
12. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, chính xác; hoàn thành việc hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, người nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội trước ngày 30 tháng 4 năm 2020.
13. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương rà soạt lại nhu cầu, tăng cường quản lý mua sắm trang, thiết bị y tế cần thiết phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bảo đảm công khai minh bạch, kịp thời, không để lợi dụng để trục lợi, tiêu cực; trường hợp phát hiện có dấu hiệu sai phạm, cần chuyển cơ quan thanh tra, điều tra để xử lý theo đúng quy định.
14. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ động tổ chức việc họp Ban chỉ đạo phù hợp diễn biến tình hình dịch.
“Cuộc chiến” chống dịch COVID-19 ngắn hay dài phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi con người. Vì vậy, mọi cá nhân, mọi tổ chức cần tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và những khuyến cáo của Bộ Y tế để bảo vệ thật tốt sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng và nhất là chúng ta phải sẵn sàng “Chung sống an toàn với dịch COVID-19”.
Nguyễn Hiệu