• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những quan niệm sai lầm về chế độ ăn uống của người bệnh đái tháo đường

          Chúng ta thường nghĩ người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thì phải kiêng không được ăn đường, từ bỏ các món ăn yêu thích, món tráng miệng vì chế độ ăn kiêng hay khi dùng thuốc thì có thể ăn uống thoải mái. Có rất nhiều quan niệm chưa đúng về chế độ ăn uống dành cho người ĐTĐ. Dưới đây là những sai lầm hay gặp:

1.Mắc bệnh vì ăn quá nhiều đường

Nguyên nhân gây ra bệnh ĐTĐ rất đa dạng và phức tạp. Ngoài yếu tố gene thì béo phì, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, căng thẳng... cũng có thể dẫn đến mắc bệnh. Một trong những biện pháp quan trọng giúp phòng tránh bệnh đó là thiết lập thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống hợp lý, chứ không chỉ đơn thuần là không ăn hay ăn ít đường. Với người bệnh ĐTĐ, nếu không thể thay đổi những thói quen xấu trong sinh hoạt thường ngày, rất khó đạt được kết quả khả quan trong việc kiểm soát đường huyết.

2.Hạn chế tối đa lượng tinh bột

Người bị ĐTĐ không được ăn các loại thực phẩm chứa tinh bột như: cơm, gạo, bánh mì, bún, phở,…hoặc nhiều loại rau củ như khoai tây, khoai lang, ngô, đậu,… Đó là quan niệm sai lầm, bởi chế độ ăn uống phải đúng theo khẩu phần, được bác sĩ hướng dẫn.

3.Quá lạm dụng đường ăn kiêng

Đường ăn kiêng là chất tạo ngọt, hoá chất do đó có nhiều nguy cơ không tốt cho cơ thể, gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, trong quá trình chế biến đường ăn kiêng có thể bị biến tính ảnh hưởng sức khoẻ. Người mắc bệnh ĐTĐ thi thoảng vẫn có thể ăn các loại thực phẩm sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo để tạo vị ngọt thay cho đường. Tuy nhiên chưa có nhiều bằng chứng cho thấy có thể thay thế các chất đường có thể giúp kiểm soát đường huyết hay cải thiện sức khỏe về lâu dài.

4.Tự ý thay thế các thực phẩm khác nhóm

          Nhiều bệnh nhân quan điểm không ăn tinh bột thì ăn nhiều chất đạm, chất béo. Mặc dù chất đạm, chất béo không ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu nhưng các thành phần khác của thực phẩm giàu protein, lipid lại có thể khiến tăng đường huyết. Thông thường, người bệnh  ĐTĐ không cần ít chất đạm, chất béo hơn những người không mắc bệnh. Tuy nhiên, có những thời điểm như tăng cân hoặc người có biến chứng tiểu đường cần hạn chế đạm và chất béo.

5.Người bệnh ĐTĐ không thể ăn đường và đồ ngọt

Đây là một quan niệm sai lầm thường gặp đối với người bệnh ĐTĐ. Vì lượng đường trong máu luôn có xu hướng tăng cao nên nhiều người nghĩ rằng cần tránh tuyệt đối đường và thực phẩm có chứa đường trong chế độ ăn. Tuy nhiên, người bệnh ĐTĐ không nhất thiết phải tránh hoàn toàn đường và đồ ngọt.Điều quan trọng là tập trung vào một chế độ ăn uống cân bằng, ít carbohydrate, giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa; ưu tiên rau quả tươi, cá, đậu và các loại hạt. Thỉnh thoảng, có thể  ăn một miếng bánh ngọt, vài chiếc bánh quy, một viên socola hay nhấm nháp chút hoa quả khô. Bên cạnh đó, người bị ĐTĐ rất dễ gặp phải tình trạng hạ đường huyết. Lúc này, một viên kẹo ngọt, viên đường hay nước ngọt sẽ rất hữu ích để nhanh chóng kéo đường huyết lên cao, tránh được nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vậy nên hãy luôn mang theo chúng bên mình để sử dụng khi cần thiết.

6.Không được ăn các loại quả

Đúng là các loại quả có chứa một dạng đường tự nhiên gọi là fructose có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ cần chú ý đến khẩu phần các loại quả, chẳng hạn như chọn một quả chuối nhỏ thay vì một quả lớn, nên chọn loại quả ít đường như táo, bưởi, ổi, đu đủ…Các loại quả cũng chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất và các hợp chất chống lại bệnh tật, vì vậy đừng loại bỏ nó khỏi chế độ ăn uống của người bệnh ĐTĐ.

7.Nếu dùng thuốc thì có thể ăn uống thoải mái

Dùng thuốc điều trị không có nghĩa là được ăn uống thoải mái. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định là điều quan trọng nhưng vẫn phải kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Bởi chế độ ăn uống đủ các nhóm thực phẩm không chỉ giúp kiểm soát bệnh về lâu dài mà còn giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.

Khi hiểu rõ các vấn đề về dinh dưỡng với người bệnh ĐTĐ thì việc sống chung với bệnh ĐTĐ không quá đáng sợ như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ cần thực hiện theo một số quy tắc cơ bản là người bệnh có thể xây dựng được chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát đường huyết mà vẫn có thể thưởng thức những món ăn ưa thích. Khi cần tư vấn về chế độ ăn, người bệnh có thể liên hệ với cán bộ y tế tại cơ sở y tế nơi gần nhất hoặc nơi người bệnh đang điều trị./.


Tác giả: BS Trần Thị Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết