• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người thầy thuốc nhiệt tình, say mê với công việc

Luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiệt tình, sáng tạo, say mê trong công việc, đặc biệt luôn biết quan tâm, chia sẻ với anh em đồng nghiệp và với người bệnh – đó là lời nhận xét của Thạc sỹ Đỗ Thiện Khuyến– giám đốc Trung tâm Y tế Vũ Thư khi nói về Bác sỹ Nguyễn Thái Hưng - Q. Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS

Sau 6 năm đi bộ đội, anh đã trở về quê nhà với mong muốn trở thành bác sỹ chữa bệnh cho nhân dân anh đã tham gia dự thi và trúng tuyển vào trường đại học Y Thái Bình. 6 năm miệt mài với đèn sách anh đã tốt nghiệp tại trường đại học Y Thái Bình khóa 6 (1976-1982). Học xong, nhận tấm bằng trong tay, bác sỹ Hưng đã được phân công về công tác tại khoa truyền nhiễm – bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và là bác sỹ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân lao. Thời điểm đó cách đây gần 30 năm, người bệnh lao mắc cũng tương đối đông và người dân vẫn chưa hiểu đầy đủ về bệnh, vẫn coi bệnh lao là một trong tứ chứng nan y. Để giúp ngay chính những người bệnh lao và người nhà của họ hiểu rằng bệnh lao là bệnh chữa khỏi hoàn toàn, bác sỹ Hưng không chỉ chăm sóc chu đáo, điều trị đúng phác đồ đối với tất cả người bệnh, không phân biệt người bệnh đó là bệnh gì, thuộc đối tượng nào, bác sỹ còn luôn có thái độ ân cần, động viên, tư vấn thuyết phục giúp bệnh nhân chiến thắng với bệnh tật và tin tưởng rằng bệnh lao sẽ chữa khỏi hoàn toàn. 10 năm công tác tại tỉnh Hòa Bình, bác sỹ đã trực tiếp điều trị và đem lại sự sống, niềm hạnh phúc cho hàng trăm lượt bệnh nhân lao các thể.

 

Năm 1991, bác sỹ Hưng được thuyên chuyển công tác về làm việc tại Trung tâm Y tế Vũ Thư và hiện tại đang là quyền trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS. Là người đứng đầu của một khoa có nhiều công việc nhất ở trung tâm y tế huyện, bác sỹ luôn xác định trọng trách của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chương trình chống lao ở đơn vị 1 mình bác sỹ là người đảm nhiệm. Quan niệm sai lầm về căn bệnh lao cách đây vài năm đã làm cho bác sỹ Hưng hết sức lo lắng, mặc dù rất bộn bề với công việc nhưng với lòng thương yêu bệnh nhân của 1 người thầy thuốc, cảm thông với nỗi khổ của người bệnh lao và gia đình họ tháng nào cũng vậy, bác sỹ luôn dành thời gian thăm hỏi người bị bệnh lao, bệnh lao/HIV, giám sát, hướng dẫn chỉ đạo cán bộ y tế xã những biện pháp điều trị lao hiệu quả và làm thế nào để thay đổi nhận thức của cộng đồng vệ bệnh. Ngày nay khi mà người dân không còn quan niệm sai lầm về bệnh lao nữa thì điều bác sỹ băn khoăn nhiều nhất đó là rất nhiều người bị bệnh lao nhưng chủ quan, mải mê với miếng cơm manh áo mà không biết cách đi khám, phát hiện bệnh sớm, rất nhiều trường hợp khi bệnh đã quá nặng rồi mới tìm đến cơ sở y tế, thực trạng này đã gây khó khăn trong công tác phòng chống lao ở cộng đồng. Để từng bước cải thiện khó khăn, hàng tháng, tại các buổi giao ban định kỳ của Trung tâm, cán bộ y tế tham gia giao ban không chỉ nhận được những thông tin quan trọng, cần thiết về bệnh lao mà còn được bác sỹ Hưng tổ chức tập huấn, giải đáp những khó khăn thắc mắc cho cơ sở, hướng dẫn chu đáo về khám, phát hiện và điều trị bệnh tại cộng đồng. Từng xã sẽ được đánh giá nhận xét về những mặt được, chưa được trong hoạt động, rút kinh nghiệm và định hướng hoạt động cho các xã trong tháng tiếp theo. Bác sỹ luôn chỉ đạo các xã tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh lao, thông báo rõ địa chỉ khám, xác định bệnh lao cho cộng đồng. Các lớp tập huấn, các buổi thảo luận nhóm, bác sỹ luôn là người trực tiếp giảng giải.

 

Tại huyện Vũ Thư, 6 tháng đầu năm đã phát hiện được 91 bệnh nhân lao các thể, trong đó lao phổi AFB (+) là 27 bệnh nhân. Tất cả các bệnh nhân phát hiện đều được đưa vào quản lý, điều trị theo đúng phác đồ Bộ Y tế quy định. Năm 2009, huyện Vũ Thư có tới 95% bệnh nhân lao phổi AFB (+) được điều trị khỏi

 

Chương trình phòng chống lao là thế, còn rất nhiều công việc khác Bác sỹ vẫn phải chỉ đạo và tham gia thực hiện như: giám sát, điều tra, tổ chức triển khai, quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh, triển khai các chương trình mục tiêu y tế Quốc gia, các dự án liên quan về y tế dự phòng, phòng chống bệnh xã hội HIV/AIDS trên địa bàn huyện…Những việc làm của bác sỹ Hưng thì không thể thống kê hết được nhưng đối với bác sỹ thì câu chuyện về 2 bệnh nhân lao màng não đã trở thành kỷ niệm không bao giờ quên. Khi đang công tác tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình, một bệnh nhân vào bệnh viện trong trạng thái hôn mê, nguy kịch, bị bệnh lâu ngày bệnh nhân người chỉ còn da bọc lấy xương. Cơ quan và gia đình bệnh nhân tưởng không thể chữa nổi đã sang bệnh viện xin về. Bằng kinh nghiệm của người thầy thuốc, bác sỹ đã chẩn đoán bệnh nhân bị bệnh lao màng não, bác sỹ thuyết phục gia đình bệnh nhân và giữ lại để theo dõi điều trị. Cùng với việc nhiệt tình chăm sóc, theo dõi bệnh nhân hàng ngày, bác sỹ đã chịu khó, say mê tìm hiểu tài liệu để tìm ra phương pháp điều trị  giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe. Sau 15 ngày tích cực điều trị, dưới bàn tay của bác sỹ bệnh nhân đã cải tử hoàn sinh. Trường hợp thứ 2 là 1 bệnh nhân tại huyện Đông Hưng – Thái Bình, bác sỹ Hưng cũng đã phát hiện, chẩn đoán thêm 1 bệnh nhân bị bệnh lao màng não và giới thiệu đi điều trị tại bệnh viện lao trong khi mà gia đình đã nghĩ đến việc lo hậu sự cho bệnh nhân. Thuyết phục gia đình bệnh nhân cho đi bệnh viện là 1 điều không hề đơn giản vì họ đã nghĩ là người nhà họ sự sống còn rất là mong manh nhưng bác sỹ Hưng đã quyết tâm và làm được điều đó. Ngay sau thời gian điều trị, bệnh nhân đã kịp thời chữa khỏi và tiếp tục làm việc bình thường. Gần 30 năm gắn bó với nghề, biết bao nhiêu là khó khăn thử thách nhưng bác sỹ Hưng luôn là tấm gương sáng về ý thức trách nhiệm trước người bệnh cũng như sự quyết tâm học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đứng trước mỗi người bệnh, cùng với y đức thì tài năng và kinh nghiệm nơi người thầy thuốc là điều không thể thiếu được.

 

Với chức trách của một lãnh đạo khoa và lương tâm của người thầy thuốc, đối với bệnh lao bác sỹ Nguyễn Thái Hưng luôn mong muốn: tất cả các bệnh nhân lao nên tuân thủ điều trị uống thuốc đúng liều lượng, đúng đủ thời gian và tham gia kiểm soát đờm để đánh giá kết quả điều trị. Bệnh lao là bệnh chữa khỏi hoàn toàn nhưng cũng chớ coi thường bệnh lao. Việc điều trị bất cứ bệnh gì cũng đòi hỏi sự hợp tác tốt của người bệnh. Đối với bệnh lao việc tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công hay thất bại của người bệnh.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB