11 cách phòng tránh các bệnh thường gặp ở trẻ em
1. Tiêm chủng để bảo vệ trẻ
Tiêm chủng là công cụ quan trọng bảo vệ trẻ em chống lại các bệnh khác nhau bằng cách kích thích hệ miễn dịch của trẻ em tạo ra kháng thể. Cha mẹ cần đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ sẽ giúp ngăn ngừa những căn bệnh gây tổn hại nghiêm trọng hoặc tử vong, đặc biệt là trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch chưa phát triển.
2. Cơ thể của trẻ cần được giữ ấm
Việc duy trì nhiệt độ cơ thể thích hợp là điều cần thiết đối với trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì trẻ rất dễ bị nhiệt độ tác động. Cha mẹ cần chuẩn bị quần áo phù hợp và điều chỉnh nhiệt độ phòng để giúp ngăn ngừa các tình trạng hạ thân nhiệt và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trong mùa lạnh.
3. Dạy cho bé thói quen vệ sinh cá nhân thường xuyên
Cha mẹ cần chú trọng rèn luyện các thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ như rửa tay, chăm sóc răng miệng, tắm rửa, dọn dẹp phòng ốc để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng và giảm khả năng nhiễm trùng. Dạy sớm những thói quen này sẽ thúc đẩy các hành vi có ý thức về sức khỏe đến khi trẻ trưởng thành. Đây là một trong những cách ngăn ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ em.
4. Giữ môi trường sống thông thoáng
Việc đảm bảo thông khí đầy đủ trong không gian sống là rất quan trọng để duy trì chất lượng không khí trong nhà, giảm nồng độ chất ô nhiễm và ngăn ngừa sự tích tụ của mầm bệnh trong không khí.Môi trường sống thông thoáng giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp và dị ứng, tăng cường sức khỏe cho trẻ.
5. Cung cấp chế độ dinh dưỡng khoa học cho trẻ
Cung cấp cho trẻ một chế độ ăn uống cân bằng, giàu chất dinh dưỡng là điều cần thiết để hỗ trợ sự tăng trưởng, phát triển và chức năng miễn dịch của trẻ. Thực phẩm tốt cho sức khỏe là những thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, không có hoặc ít đường, chất béo bão hòa hoặc muối. Cha mẹ nên sử dụng các nhóm thực phẩm sau vào thực đơn của trẻ:
- Chất đạm: thịt lợn, gia cầm, trứng, đậu, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt và hạt không ướp muối.
- Quả: ăn nhiều quả tươi, hạn chế dùng quả sấy khô vì có nhiều đường và chất bảo quản.
- Rau: ưu tiên ăn nhiều rau tươi, các loại đậu như đậu Hà Lan hoặc các loại rau nhiều màu sắc (như ớt chuông) sẽ rất tốt cho sức khỏe của bé.
- Hạt: ăn ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, gạo lứt hoặc gạo tự nhiên.
- Sản phẩm bơ sữa: Gia đình cho con ăn và uống các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo như sữa chua, phô mai, sữa đậu nành...
6. Cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và tăng cường hệ thống miễn dịch. Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, duy trì cân nặng phù hợp và cải thiện tâm trạng, góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính và nhiễm trùng. Đây là một trong những phương pháp phòng ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ em hiệu quả.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hướng dẫn về hoạt động thể chất dành cho trẻ em như sau:
- Dưới 1 tuổi: Trẻ cần hoạt động thể chất nhiều lần trong ngày, cha mẹ có thể cho con nằm trên sàn và tương tác với con (cho bé với, cầm, nắm, vỗ nhẹ hai tay vào nhau,…). Ngoài ra, cha mẹ có thể cho con tập nằm sấp khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Từ 1-2 tuổi: Dành ít nhất 180 phút cho nhiều loại hoạt động thể chất với nhiều cường độ khác nhau, không nên để trẻ ngồi một chỗ trong thời gian dài.
- Từ 3-4 tuổi: Dành ít nhất 180 phút cho nhiều hoạt động thể chất ở mọi cường độ, trong đó ít nhất 60 phút là hoạt động thể chất với cường độ vừa phải đến mạnh, trải đều trong ngày, càng nhiều càng tốt.
- Từ 5-17 tuổi: Nên thực hiện ít nhất trung bình 60 phút mỗi ngày với cường độ từ trung bình đến mạnh, chủ yếu là hoạt động thể chất, aerobic trong suốt cả tuần. Trẻ trong độ tuổi này cần kết hợp các hoạt động aerobic cường độ mạnh cũng như các hoạt động tăng cường cơ và xương, ít nhất 3 ngày một tuần.
7. Phòng bệnh khi trẻ đến nơi đông người
Khi đưa trẻ đến những nơi đông người, điều quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu việc trẻ tiếp xúc với vi trùng, mầm bệnh. Điều này bao gồm thực hành vệ sinh tay tốt, tránh tiếp xúc gần với người bệnh và đảm bảo họ tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm.
8. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có mầm bệnh
Cần giảm thiểu tiếp xúc với những người bị bệnh hoặc mang mầm bệnh truyền nhiễm giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ em và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.
9. Tránh xa khói bụi, khói thuốc, không khí độc hại
Các yếu tố môi trường như khói bụi, khói thuốc lá, các chất ô nhiễm trong không khí có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hô hấp và làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và bệnh tật. Cha mẹ hãy giữ cho môi trường sống không khói thuốc lá và giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm giúp bảo vệ sức khỏe hô hấp và sức khỏe tổng thể của trẻ.
10. Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng sữa mẹ
WHO khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 06 tháng đầu đời và có thể kéo dài đến khi bé được 02 tuổi. Sữa mẹ cung cấp cho trẻ sơ sinh các dưỡng chất, kháng thể và yếu tố miễn dịch cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ trẻ khỏi bị nhiễm trùng. Đây là một trong những cách để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh thường gặp ở trẻ em.
11. Phát hiện kịp thời các dấu hiệu bệnh ở trẻ
Việc theo dõi trẻ sự thay đổi về hành vi, chế độ ăn uống, sinh hoạt, học tập ở trẻ hoặc phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường, đưa trẻ đến cơ sở y tế khám khi cần thiết có thể giúp chẩn đoán, điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng và đẩy nhanh quá trình phục hồi giúp bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho trẻ./.