Chiến dịch Truyền thông toàn quốc “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV”
Nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, kêu gọi phòng ngừa các bệnh lý và ung thư do vi rút HPV (Human Papillomavirus) gây ra, sáng ngày 29/3/2025, Bộ Y tế tổ chức lễ phát động Chiến dịch Truyền thông toàn quốc “Vì một Việt Nam không gánh nặng bởi HPV”.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng với mục tiêu khẳng định thông điệp, quyết tâm cao của toàn ngành Y tế trong nỗ lực đẩy lùi bệnh tật, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết. Chiến dịch này sẽ góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về HPV, các bệnh do HPV gây ra, đặc biệt là ung thư cổ tử cung và các biện pháp phòng ngừa. Thông qua Chiến dịch sẽ góp phần chia sẻ các kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng nói chung và về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HPV, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập, rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về các thói quen chủ động chăm sóc sức khỏe.
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh phổ biến trong các loại ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới. Theo dữ liệu từ thống kê GLOBOCAN, năm 2022 trên toàn thế giới có khoảng 662.000 phụ nữ mắc mới ung thư cổ tử cung và hơn 348.000 người chết do ung thư cổ tử cung, trong đó 80% trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển, với xu hướng tăng lên theo thời gian. Mặc dù có thể dự phòng và phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung vẫn có tỷ lệ mắc và tử vong cao ở phụ nữ Việt Nam. Năm 2022, tại Việt Nam có 4.612 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung, tử vong 2.571 trường hợp. Một số lý do dẫn đến tình trạng này là tỷ lệ phụ nữ được sàng lọc định kỳ còn chưa cao, hệ thống ghi nhận và theo dõi quá trình sàng lọc ung thư chưa được triển khai rộng khắp, các trường hợp có tổn thương tiền ung thư chưa được xử trí đồng bộ và hiệu quả một cách đầy đủ.
Nhiễm một hoặc nhiều týp vi rút HPV gây u nhú ở người nguy cơ cao đã được khẳng định là nguyên nhân tiên phát của ung thư cổ tử cung. HPV là tác nhân truyền qua đường tình dục. Cho đến nay đã phát hiện được khoảng 200 týp HPV, trong đó có hơn 30 týp thường lây lan qua quan hệ tình dục. Người ta chia HPV sinh dục thành hai nhóm: nhóm nguy cơ thấp (thường gặp nhất là các týp 6 và 11) gây nên sùi mào gà sinh dục và nhóm nguy cơ cao (khoảng 16 týp), gây ra các tổn thương tân sinh trong biểu mô cổ tử cung và/hoặc ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn, dương vật, thanh quản...
Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời của người phụ nữ là khoảng 85%, với tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra trong độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25% trong quần thể; trong khi nguy cơ nhiễm ít nhất 1 lần trong đời của nam giới là 91%. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung trên thế giới nói chung và ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ hiện nhiễm HPV, tỷ lệ này cao hơn ở khu vực miền Nam so với miền Bắc và miền Trung.
Các yếu tố nguy cơ nhiễm HPV:
+ Quan hệ tình dục sớm,
+ Quan hệ tình dục với nhiều người,
+ Sinh nhiều con,
+ Vệ sinh sinh dục không đúng cách,
+ Viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục,
+ Điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp,
+ Hút thuốc lá, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV)...
Tuy là một bệnh nguy hiểm, nhưng ung thư cổ tử cung lại hoàn toàn có thể dự phòng được nhờ tiêm vắc xin phòng HPV hoặc sàng lọc phát hiện sớm tình trạng nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư. Các tổn thương tiền ung thư cũng có thể điều trị khỏi hoàn toàn với những biện pháp khá đơn giản, chi phí thấp.
Theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/08/2022 của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030, năm 2026 vắc xin dự phòng ung thư cổ tử cung sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế kêu gọi các gia đìnhcó con em trong độ tuổi vị thành niên hãy nhận thức rõ nguy cơ ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV đối với thanh, thiếu niên, cầnthực hiện ngay các biện pháp dự phòng phù hợp. Mỗi người dân hãy nêu cao trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng bằng cách cùng nhau quyết tâm thực hiện duy trì lối sống lành mạnh, chủ động dự phòng, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, người thân và cộng đồng, từ đó chung tay cùng ngành Y tế thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.