5 sai lầm cha mẹ cần tránh khi chăm sóc trẻ bị ốm
Hiện nay, thời tiết khí hậu đang trong giai đoạn chuyển mùa, mưa nắng thất thường. Nhất là thời gian gần đây nhiều bệnh lạ xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên trẻ em, hệ miễn dịch còn non yếu vì vậy bố mẹ cần phải chủ động trong việc bổ sung kiến thức về chăm sóc trẻ giúp trẻ có một sức khoẻ toàn diện.
1. Tự ý mua thuốc cho bé uống
Việc cho trẻ uống thuốc mà không có hướng dẫn y tế phù hợp có thể gây nguy hiểm. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có thể bị sai sót về liều lượng, gặp những phản ứng bất lợi và phương pháp điều trị không phù hợp (ví dụ mua thuốc kháng sinh cho trẻ bị nhiễm virus) gây nhờn thuốc, kháng thuốc, dị ứng... Do đó, cha mẹ luôn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để đảm bảo an toàn và phù hợp với tình trạng của trẻ.
2. Ủ ấm quá mức
Việc quấn chặt hoặc sưởi ấm quá mức trẻ bị bệnh có thể dẫn đến sự khó chịu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng, đặc biệt nếu trẻ bị sốt. Thay vào đó, cha mẹ hãy duy trì không gian thoáng khí, nới lỏng quần áo, tã lót để trẻ được thoải mái, không bị nóng, bí, ngột ngạt...để hỗ trợ quá trình điều trị, phục hồi của trẻ.
3. Cho trẻ ăn những thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, không rõ nguồn gốc
Việc cho trẻ ăn những thức ăn lạ hoặc khó tiêu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa và kéo dài thời gian hồi phục. Khi trẻ bị bệnh, ba mẹ nên ưu tiên sử dụng những thực phẩm thông dụng đủ các thành phần như: tinh bột, đạm, mỡ, rau xanh, nấu chín kỹ, mềm để dễ tiêu hóa, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của trẻ trong và sau khi điều trị bệnh.
4. Chủ quan không đưa trẻ đến cơ sở y tế khám khi có các triệu chứng
Việc bỏ qua, xem nhẹ hoặc chủ quan khi trẻ có các triệu chứng biểu hiện mắc bệnh làm chẩn đoán và điều trị muộn, có thể gây biến chứng nặng bệnh và nguy hiểm cho trẻ. Việc phát hiện, chẩn đoán sớm, chăm sóc y tế kịp thời là rất quan trọng đảm bảo các biện pháp can thiệp phù hợp, giúp quá trình phục hồi sức khỏe cho trẻ hiệu quả nhất.
5. Cha mẹ lo lắng, căng thẳng làm cho bé bị căng thẳng theo
Trẻ em có thể tiếp thu cảm xúc của người chăm sóc, cha mẹ lo lắng hoặc căng thẳng quá mức, cáu gắt, quát tháo trẻ... tác động tiêu cực đến sức khỏe và khả năng phục hồi của bé. Cha mẹ hãy duy trì thái độ bình tĩnh để giúp giảm bớt căng thẳng cho trẻ và thúc đẩy niềm tin tích cực về điều trị, trẻ có tinh thần tốt sẽ phục hồi nhanh hơn và kết quả được cải thiện.
Các bậc cha mẹ chủ động cho bé ăn uống, vui chơi khoa học, vệ sinh đúng cách, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ theo khuyến cáo của ngành Y tế. Đặc biệt, khi trẻ có những dấu hiệu bất thường phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ tại nhà tránh gây những biến chứng đáng tiếc xảy ra cho trẻ./.