Bệnh Gout đang ngày càng trẻ hóa
Trước đây, độ tuổi mắc bệnh Gout chủ yếu trong khoảng 40-60 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, căn bệnh này ngày càng trẻ hóa, có trường hợp 20-30 tuổi cũng đã mắc bệnh.
Bệnh Gout là một trong các bệnh đặc trưng của xương khớp có liên quan đến quá trình chuyển hóa axit uric trong cơ thể. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh đang dần gia tăng và có xu hướng dần trẻ hóa.
Trên thế giới, bệnh Gout thường gặp ở các nước phát triển và đang phát triển, chiếm khoảng 0,02-0,2% dân số, nam giới chiếm chủ yếu (trên 95%). Còn tại Việt Nam, bệnh Gout chiếm khoảng 1/3 tổng số người đến khám các vấn đề về xương khớp. Đây cũng là bệnh đứng thứ 4 trong số 15 bệnh về khớp thường gặp. Bệnh thường gặp ở nam giới gấp 8 lần nữ giới.
Các bác sỹ cho biết, tỷ lệ biến chứng của bệnh Gout chiếm 50%. Cụ thể, cứ 100 bệnh nhân có 50 người bị các biến chứng. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân không thuyên giảm trong 20 năm qua. Điều đáng nói là độ tuổi mắc bệnh đang ngày càng trẻ hóa. Ngoài yếu tố tiền sử gia đình thì tình trạng thừa cân, béo phì, chế độ ăn giàu đạm, ít vận động, ít luyện tập thể dục, thể thao, lạm dụng rượu, bia… là những yếu tố quan trọng khiến bệnh nhân gout gia tăng và trẻ hóa.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại khi đa số người bệnh xem nhẹ và cho rằng, bệnh Gout không nguy hiểm như: Đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Hơn nữa, khi xuất hiện những đợt gout cấp, đau khớp, người bệnh đã ra hiệu thuốc mua thuốc tự điều trị hoặc uống thuốc giảm đau thay vì đến bệnh viện. Việc sử dụng các thuốc giảm đau một cách bừa bãi của một bộ phận không nhỏ người dân dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử…Bên cạnh đó, có những người đã đi khám và dùng thuốc theo chỉ định nhưng khi thấy các triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc. Nếu không tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ sẽ khiến tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng. Thậm chí, người bệnh dễ gặp phải tình trạng biến dạng khớp, giảm chức năng vận động, dẫn tới tàn phế và nguy hiểm đến tính mạng.
Để việc điều trị mang lại hiệu quả, Bác sỹ CKII Lưu Thị Ánh Tuyết- Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình lưu ý, bệnh nhân Gout cần dùng thuốc do thầy thuốc chỉ định. Người bệnh cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, cần giảm lượng đạm, tránh ăn những thực phẩm giàu purine như: Phủ tạng động vật, thịt đỏ (thịt bê, dê...), thịt hun khói; hạn chế ăn hải sản; tập thể dục, thể thao hợp lý, không lạm dụng rượu bia; uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, bao gồm cả nước lọc và nước ép hoa quả, sữa,... đặc biệt nên sử dụng các loại nước khoáng kiềm để tăng cường bài tiết axit uric qua nước tiểu. Ăn nhiều rau củ quả như cà rốt, khoai tây, dưa gang, dưa chuột, cà chua, xà lách, sử dụng nguồn đạm từ trứng, sữa và các chế phẩm phomat trắng không lên men. Người bệnh cần thực hiện thay đổi lối sống theo tư vấn của bác sĩ, tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám định kỳ.
Với những dấu hiệu bệnh Gout trên đây sẽ giúp bạn nhận biết sớm và điều trị kịp thời. Hãy chú ý bảo vệ sức khỏe của mình, phòng ngừa bệnh mới là cách tốt nhất./.