• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh máu nhiễm mỡ, nguyên nhân và cách phòng tránh


        Hiện nay, bệnh máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa, tỷ lệ người mắc tăng nhanh ở độ tuổi 35 - 44. Mỡ máu tăng cao có thể dẫn tới các bệnh lý như cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch,...

Nếu như trước đây, máu nhiễm mỡ (rối loạn lipid máu, tăng Cholesterol) thường được coi là “căn bệnh của nhà giàu", ít được chú ý thì đến nay, máu nhiễm mỡ đã trở thành bệnh của thời đại khi số người trong cộng đồng mắc ngày càng gia tăng.

Tại Việt Nam theo con số thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, tỷ lệ người mắc mỡ máu cao ở Việt Nam tăng nhanh nhất ở độ tuổi 35 - 44. Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng thống kê trong năm 2016, hơn 29% người Việt trưởng thành bị rối loạn mỡ máu, tỷ lệ dân thành thị chiếm tới 44,3%. Điều này cho thấy số người gặp vấn đề về mỡ máu không có dấu hiệu giảm, ngược lại dần cao hơn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê và ước tính, rối loạn mỡ máu có liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não, 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn thế giới. Theo thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, có 200.000 người Việt đột quỵ mỗi năm do rối loạn mỡ máu.

Điều đáng lưu ý có tới 71% người mắc bệnh mỡ máu cao không hề biết mình bị bệnh do các triệu chứng không rõ ràng, chỉ phát hiện khi xét nghiệm máu định kỳ. Các dấu hiệu phát hiện rối loạn lipid máu thường là khi đã ảnh hưởng đến các cơ quan khác như não, thận, tim gồm:

  • Tức ngực, đau hoặc áp lực ở ngực
  • Khó thở
  • Đau, căng áp lực ở cổ, hàm, vai, lưng
  • Tim đập nhanh
  • Ngất xỉu

Một số triệu chứng phát hiện sớm mọi người cần lưu ý như: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, tê bì tay chân… đây là những biểu hiện của việc máu không lưu thông do các phân tử mỡ máu nặng gây cản trở dòng chảy của máu. Tốt nhất mọi người nên có thói quen xét nghiệm mỡ máu ít nhất 6 tháng 1 lần. 

Mỡ máu cao là tình trạng gia tăng cholesterol xấu (LDL) hay chất béo trung tính (triglycerides) trong máu. Điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn mạch máu và gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe tim mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Một số nguyên nhân dẫn đến mỡ máu cao gồm:

  • Yếu tố gia đình: Tăng mỡ máu gia đình do đột biến gen từ cha mẹ gây tình trạng mỡ máu cao. Tiền sử gia đình có người mắc tình trạng liên quan đến cholesterol, hoặc mắc bệnh mạch vành, đột quỵ.
  • Yếu tố sinh hoạt và lối sống
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh nhiều thực phẩm chứa các chất béo bão hòa như: phô mai, bơ, sữa, thịt béo,…và chất béo chuyển hóa như: thực phẩm chiên, rán, một số loại bơ thực vật,…
  • Lười tập luyện thể thao, ít vận động
  • Thừa cân, béo phì
  • Sử dụng nhiều rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có cồn
  • Một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc lợi tiểu
  • Yếu tố sức khỏe
  • Khi mắc một số bệnh lý sau, bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc mỡ máu cao: bệnh thận, bệnh gan, suy giáp, đau tủy, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Cushing, xơ gan mật tiên phát, bệnh thận mãn tính, bệnh tiểu đường, chứng ngưng thở lúc ngủ.

Cách phòng tránh mắc mỡ máu cao

Một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống có thể giúp giảm nguy cơ mỡ máu cao, một số thói quen được các bác sĩ khuyến khích người bệnh thực hiện gồm:

  • Thay mỡ động vật bằng dầu thực vật.
  • Chỉ nên ăn các loại thịt, cá khoảng 150 – 200g/ngày, không ăn quá 3 quả trứng/tuần và nên ăn cách ngày.
  • Không ăn thức ăn có nhiều chất béo như thịt mỡ, nội tạng động vật, da của các loại gia cầm, thay bằng đạm thực vật như đậu tương.
  • Hạn chế uống bia rượu, không hút thuốc lá
  • Ăn nhiều rau xanh và các loại trái cây như cam, bưởi, táo, nho,…
  • Tập luyện thể dục thể thao với các bài tập đi bộ nhanh, chạy, đạp xe,… 
  • Khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra các chỉ số mỡ máu và được điều trị kịp thời.

Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc khi chưa nhận được tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Để hạn chế tối đa tỷ lệ mắc bệnh mỡ máu chúng ta cần thực hiên tốt cách phòng bệnh. Xây dựng cho mình chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý lành mạnh/.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB