• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần chủ động phòng chống bệnh Bạch hầu

  Hiện nay, tình hình bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc và đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong tại Nghệ An.

 

Tại Thái Bình chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh Bạch hầu, tuy nhiên để chủ động phòng chống bệnh Bạch hầu, Thái Bình đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: ban hành văn bản chỉ đạo; tập huấn hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Bạch hầu; hướng dẫn quy trình lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm và một số xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn bạch hầu; cung cấp thông tin về thực trạng công tác tiêm chủng các vắc xin bạch hầu, trên địa bàn tỉnh; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh bạch hầu; hướng dẫn lấy, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm; lịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) và dịch vụ; các khuyến cáo của Ngành Y tế để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh nhằm tăng cường phát hiện sớm ca bệnh, cách ly, điều trị đúng, kịp thời, hiệu quả, giảm tối đa số ca bệnh tử vong.

         Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ em < 15 tuổi, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu chưa có miễn dịch với bệnh Bạch hầu do chưa được tiêm vắc xin đầy đủ.

        Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình TCMR thì bệnh Bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh thường xuất hiện vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau đó, do thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu nên tỷ lệ mắc bạch hầu ở Việt Nam đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000, đến năm 2014, tỷ lệ này còn dưới 0,01 ca/100.000 dân. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ mắc Bạch hầu tại Việt Nam giảm rõ rệt. Cụ thể: Năm 2020: 226 ca mắc, chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Năm 2021: 06 ca mắc. Năm 2022: 02 ca mắc. Năm 2023: 57 ca mắc. Năm 2024, đã 06 ca mắc ở 03 tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Bắc Giang, trong đó có 01 trường hợp tử vong.

       Vi khuẩn Bạch hầu thường khu trú và làm tổn thương đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản) tạo giả mạc dai dính, khó bóc tách và sinh ra ngoại độc tố gây nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh) gây tử vong do tắc đường thở và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10% và cao hơn ở trẻ nhỏ. Vi khuẩn Bạch hầu sống lâu ở giả mạc và họng của bệnh nhân. Trong điều kiện thiếu ánh sáng vi khuẩn sống tới 06 tháng và tồn tại lâu trên các đồ chơi của trẻ bị bạch hầu, áo choàng của nhân viên y tế,…

        Các thể bệnh Bạch hầu hay gặp gồm: Bạch hầu họng (70%), Bạch hầu thanh quản (20-30%), Bạch hầu mũi (4%), Bạch hầu mắt (3-8%), Bạch hầu da,...

        Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Nguồn lây bệnh Bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Ngoài ra bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi họng từ người bệnh. Vi khuẩn Bạch hầu cũng có thể xâm nhập qua da tổn thương gây Bạch hầu da. Sau khoảng 02 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.

        Bệnh Bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vắc xin. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5-10%. Bệnh Bạch hầu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm gọi là Bạch hầu ác tính nếu không được điều trị kịp thời. Bệnh Bạch hầu cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh gây biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Tất cả người bệnh nghi Bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết