• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cận thị học đường – Nguyên nhân và cách phòng tránh

Hiện nay, tình trạng cận thị đang khá phổ biến ở học sinh. Cận thị học đường là trạng thái trẻ em mắc bệnh cận thị ở tuổi đang phát triển (vị thành niên, thanh niên từ 6-18 tuổi) và đang đi học. Với trẻ cận thị, việc nhìn các vật ở xa sẽ khó, mắt phải điều tiết liên tục để thấy các chi tiết rõ hơn, từ đó gây ra tình trạng khó chịu, nhức mắt thường xuyên. Tật cận thị ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập, vui chơi của trẻ em. Khi phải nheo mắt, dụi mắt sẽ khiến chữ viết bị nhoè mờ, đọc chữ hay bị nhảy dòng, nhầm dấu, viết chậm, sai chữ… từ đó dẫn đến việc tiếp thu kiến ​​thức chậm hơn, kết quả học tập giảm dần. Không chỉ vậy, trẻ cũng sẽ mệt mỏi, rụt rè và thiếu tự tin khi tham gia hoạt động vui chơi, đặc biệt là các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa.

Thông thường, cận thị học đường được chia ra 3 loại theo mức độ cận như sau:

- Cận thị ở mức nhẹ: Dưới -3,00 diop.

- Cận thị ở mức trung bình: Từ -3,00 diop đến -6,00 diop.

- Cận thị ở mức nặng: Từ -6,00 diop trở lên

  • .

           Nguyên nhân cận thị học đường

1. Do gen di truyền

Một trong những nguyên nhân gây cận thị là do gen di truyền. Cận thị liên quan đến nhiều cấu trúc mắt, nên việc cận thị do gen di truyền từ cha mẹ cho con cái vào khoảng 23-40%.

2. Do ngồi học sai tư thế

Nhiều trẻ ngồi học sai tư thế, thậm chí còn ngồi bò ra bàn hoặc nằm lên giường để học. Điều này không những ảnh hưởng đến thị lực mà về lâu dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cột sống của các bé nếu không được “nắn chỉnh” kịp thời.

3. Do tiếp xúc với các thiết bị điện tử tần suất cao

Trẻ nhỏ hiện nay sớm được sử dụng các thiết bị điện tử để phục vụ cho học tập, giải trí. Điều này vừa có lợi, nhưng đồng thời cũng mang lại nhiều hậu quả khôn lường, đặc biệt là với đôi mắt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 tiếng/ngày thì mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực đến 90%. 

Trong khi đó, theo thống kê tại Việt Nam, trung bình mỗi người hiện sử dụng các thiết bị điện tử gần 10 giờ/ ngày (dùng điện thoại 2 giờ 40 phút, máy tính 5 giờ 10 phút, xem tivi 2 giờ). Việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử tần suất cao, vượt gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép sẽ khiến mắt phải điều tiết liên tục. Theo thời gian, thủy tinh thể không thể xẹp xuống như hình dạng ban đầu và dẫn đến tật cận thị.

Bên cạnh đó, ánh sáng xanh nguy hại phát ra từ các thiết bị công nghệ tác động trực tiếp đến các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc cũng khiến mắt dễ bị khô, khiến tỷ lệ cận thị học đường ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

4. Do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý

Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cũng đóng vai trò nhất định và tham gia vào việc đảm bảo thị lực của mắt. Trong đó, phải kể đến vitamin A, E và các vi chất quan trọng khác như Crom và canxi. Ở trẻ bị cận thị học đường, tỷ lệ % các chất dinh dưỡng này thấp hơn so với trẻ có đôi mắt bình thường. Khi thiếu vitamin và các chất vi lượng này sẽ củng cố màng bị suy yếu, nhãn cầu dài ra, từ đó tăng nguy cơ và khiến cho cận thị tiến triển nặng hơn.

5. Không khám mắt định kỳ hằng năm

Thường thì đại đa số người Việt Nam khi đi khám sức khỏe tổng quát thường làm “lơ” với sức khỏe của mắt, với sức khỏe của con mình cũng không ngoại lệ và đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ cận thị ngày càng tăng. Theo các bác sĩ nhãn khoa, dù là người lớn hay trẻ em đều cần khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để kiểm tra tình trạng của mắt và tư vấn những vấn đề liên quan đến thị lực. 

    Các dấu hiệu nhận biết cận thị học đường

   - Cầm sách, vở, máy tính bảng... gần mặt.

   - Ngồi quá gần ti vi.

   - Chớp mắt, nháy mắt hoặc nhắm một mắt để đọc.

   - Thường xuyên kêu nhức đầu.

   - Mỏi mắt, chảy nước mắt.

   - Dụi mắt thường xuyên.

   - Bỏ chữ hay nhảy dòng khi đọc.

   - Không thể nhìn rõ các vật ở xa.

Thường trẻ em không hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phòng, chống cận thị, khi có dấu hiệu cận thị có thể không dám nói với người lớn, đến khi thầy, cô giáo hoặc cha mẹ phát hiện ra thì thường trẻ đã bị cận nặng. Vì thế, các bậc phụ huynh phải thường xuyên chú ý đến biểu hiện về mắt của con để phát hiện kịp thời cận thị, đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhãn khoa để khám,  đo mắt, sử dụng kính cận phù hợp, ngăn chặn hậu quả đáng tiếc về sau.

     Các biện pháp phòng chống cận thị học đường

- Ngồi học đúng tư thế: thẳng lưng, ngực không tỳ và bàn, giữ khoảng cách từ sách vở đến mắt ít nhất là 30-40cm. Tay trái đặt vuông góc với cạnh bàn, giữ vở và tay phải tạo một góc 45 độ với cạnh bàn.Hai đùi song song, chân vuông góc với mặt đất. 
- Sử dụng đèn học chống cận thị cho trẻ em: Ba ​​mẹ nên chọn mua những loại đèn học chống cận với bóng đèn LED có công suất dưới 13W và có đồ chụp để tránh ánh sáng tập trung không làm lóa mắt trẻ.
- Không để trẻ nằm, quỳ để đọc sách hoặc viết bài.
- Có chế độ ánh sáng, giờ giấc phù hợp dành cho trẻ đọc truyện, xem các thiết bị điện tử khi đang đi trên ô tô , tàu hỏa, máy bay .

- Khi xem các thiết bị công nghệ phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5m ở nơi ánh sáng phòng phù hợp. Thời gian xem cần ngắt quãng, không quá 30 phút mỗi lần xem.

- Thường xuyên cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, điều này không chỉ tốt cho mắt mà còn giúp tăng sức đề kháng ở trẻ.

- Cho trẻ đi khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng/lần để xác định tật khúc xạ và các bệnh về mắt khác sớm nhằm có phương pháp điều trị kịp thời.

- Hướng dẫn các cháu vị thành niên, thanh niên khi đi ra ngoài nên che chắn cho mắt cẩn thận để hạn chế ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mắt.

- Bổ sung nhiều thực phẩm tốt cho mắt: Vitamin A từ thịt đỏ, lòng đỏ trứng, gan động vật, sữa, cà rốt…; Kẽm từ cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích, sò biển…; Crom từ gan động vật, thịt bò, nho, nấm,…; Vitamin B1, B2 từ các loại đậu, thịt nạc, rau màu xanh đậm…Thường xuyên sử dụng 6 loại thực phẩm tốt cho mắt là: thịt; cá; trứng; các loại hạt và quả; các loại rau có lá màu xanh đậm; cà rốt, khoai lang...


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB