Chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm
Hiện nay, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tháng 12/2023, thế giới ghi nhận gần 10.000 ca tử vong do COVID-19, số ca nhập viện tăng 42% so với tháng 11/2023; các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn liên tục biến đổi. Hiện biến thể JN.1 đã gia tăng nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu.
Trong nước, tại khu vực miền Bắc vẫn đang trong giai đoạn mùa Đông Xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô xen kẽ nồm ẩm. Đây chính là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Các bệnh truyền nhiễm khác như Sốt xuất huyết, Tay chân miệng…và một số bệnh có vaccine dự phòng tiếp tục ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Tại Thái Bình, năm 2023, ghi nhận 810 trường hợp mắc Tay chân miệng, tăng 298 trường hợp so với cùng kỳ 2022, các ca mắc chủ yếu ở nhóm trẻ em, không có tử vong; 679 trường hợp mắc thủy đậu tăng 225 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022; 02 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 01 ca tử vong. Các bệnh truyền nhiễm tương đương so với cùng kỳ năm 2022. Chương trình phòng chống sốt xuất huyết và sốt rét: Ghi nhận tổng số 1.321 trường hợp sốt xuất huyết tăng 674 trường hợp so với cùng kỳ 2022, trong đó: 583 trường hợp mắc sốt xuất huyết nội sinh, không có tử vong. 404 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, số theo dõi tại cộng đồng là 4.350, không ghi nhận tử vong.
Hiện tại đang là đầu năm 2024, đây là thời điểm mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, để chủ động tăng cường công tác y tế, đảm bảo trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố sớm ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024 và huy động nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 06/KH-UNND ngày 08/01/2024 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024, với mục tiêu là giảm 5-10% tỷ lệ mắc và tử vong do các các bệnh truyền nhiễm thường gặp so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020. Khống chế, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh truyền nhiễm trong tỉnh, không để các dịch bệnh mới nổi, tái nổi lây lan bùng phát góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Ngành y tế cần liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do virus; chủ động công tác giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời...
Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thực hiện các hành vi có lợi cho sức khoẻ để bảo vệ và nâng cao sức khỏe.
Để chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân áp dụng một số biện pháp như: tăng cường vận động thể lực; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi…