Giao mùa, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường phòng, chống dịch bệnh
Bộ Y tế vừa có công văn số 2513/BYT-PB gửi UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa.
Theo đó, tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, một số bệnh có vaccine phòng bệnh như sởi, ho gà, sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A(H5N1)... tiếp tục được ghi nhận và bùng phát tại nhiều quốc gia. Trong nước, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên bệnh sởi vẫn ghi nhận số mắc cao ở nhóm trẻ từ 11-15 tuổi; đã có trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người; sốt xuất huyết, tay chân miệng bắt đầu có xu hướng gia tăng cục bộ tại một số địa phương.
Dự báo thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm du lịch hè với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp lễ 30/4-1/5 và cao điểm du lịch hè 2025 sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan, nhất là các bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp và bệnh do muỗi truyền. Để chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè, tại các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2025, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân.
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố giao trách nhiệm toàn diện cho chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch; huy động sự phối hợp của các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội với ngành y tế trong triển khai các hoạt động phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng mở rộng. Đảm bảo kinh phí, nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai, đặc biệt hỗ trợ chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi đợt 3 theo kế hoạch.
Các địa phương cần tổ chức chiến dịch tiêm chủng ngay sau khi được phân bổ vaccine, hoàn thành chiến dịch lần 1 trước 30/4/2025 và lần 2 trước 15/5/2025. Căn cứ điều kiện thực tế và đặc thù tại địa phương để áp dụng các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng tại nhà, tiêm chủng tại trường học, tiêm chủng lưu động. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường quản lý đối tượng tiêm chủng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc chưa được tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và cập nhật đầy đủ thông tin tiêm chủng của trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý ổ dịch triệt để, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao. Các bệnh được đặc biệt lưu ý gồm: dại, cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu... Ngoài ra, Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương đảm bảo công tác thu dung điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, đặc biệt bảo vệ nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh nền. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả.