Hiểu thế nào cho đúng về thông tuyến BHYT trong khám, chữa bệnh
Theo quy định tại khoản 6 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, từ ngày 01/01/2021, toàn quốc sẽ thực hiện thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến. Việc này được hiểu như là khám, chữa bệnh đúng tuyến. Khám, chữa bệnh ngoại trú không được quỹ BHYT chi trả.
Hiện nay, do chưa hiểu đúng về các tuyến bệnh viện nên nhiều người nhầm tưởng chính sách thông tuyến tỉnh áp dụng cho tất cả các bệnh viện nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của cả nước. Hiểu như vậy là không chính xác.
Vậy, người dân cần hiểu thế nào cho đúng về thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh?
1. Thông tuyến tỉnh BHYT: Không áp dụng với bệnh viện Trung ương.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT được phân thành 4 tuyến: Xã - Huyện - Tỉnh - Trung ương. Chính sách thông tuyến tỉnh chỉ áp dụng với các cở sở y tế thuộc tuyến tỉnh chứ không áp dụng đối với các bệnh viện tuyếnTrung ương.
Do đó, nếu người dân tự đi KCB tại các bệnh viện thuộc tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, Bệnh viện Việt Đức,… người bệnh chỉ được quỹ BHYT thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú đang được áp dụng hiện nay.
2. BHYT chỉ thanh toán khi điều trị nội trú trái tuyến tỉnh.
Theo đó, từ ngày 01/01/2021, người tham gia BHYT khi đi KCB trái tuyến tại các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước theo mức hưởng khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến.
Quy định này chỉ áp dụng đối với việc điều trị nội trú. Nếu có thẻ BHYT tự đi khám ngoại trú (không nhập viện) thì Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả mà người bệnh sẽ phải tự mình thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.
Để được thanh toán BHYT khi khám, chữa bệnh ngoại trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, người bệnh phải có giấy chuyển tuyến từ bệnh viện tuyến dưới thì mới được Qũy BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo mức hưởng của đối tượng tham BHYT.
3. Không phải ai cũng được thanh toán 100% tiền điều trị nội trú.
Người có thẻ BHYT tự đi KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng như trường hợp đúng tuyến.
Hiện nay, mức hưởng BHYT khi KCB đúng tuyến được quy định tại Điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi 2014 như sau:
- 100% chi phí KCB: Bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí KCB: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
- 80% chi phí KCB: Đối tượng khác.
Theo đó, từ ngày 01/01/2021, nếu người bệnh điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh thuộc trường hợp trái tuyến thì:
- Đối tượng hưởng 100% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú;
- Đối tượng hưởng 95% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 95% chi phí điều trị nội trú;
- Đối tượng hưởng 80% chi chí KCB đúng tuyến: Được thanh toán 80% chi phí điều trị nội trú.
Vì vậy, không phải ai cũng cũng được thanh toán 100% tiền điều trị nội trú khi đi KCB trái tuyến tỉnh, chỉ những người được hưởng 100% chi phí KCB đúng tuyến mới được thanh toán toàn bộ chi phí điều trị nội trú trái tuyến tỉnh. Các đối tượng khác hưởng theo mức đúng tuyến của mình.
Theo Công văn 4055/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội ban hành ngày 23/12/2020, người bệnh điều trị nội trú trái tuyến tỉnh sẽ không được hưởng chế độ không cùng chi trả chi phí KCB để xem xét hưởng 100% chi phí KCB với người tham gia BHYT 05 năm liên tục.Đồng thời phần chi phí cùng chi trả của người bệnh trong trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến không được xác định là điều kiện để cấp Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm.
Vì vậy, để người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT, trong đó có quyền lợi không phải đồng chi trả đối với các chi phí KCB, cơ quan BHXH khuyến khích người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến, đúng quy định.