• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại 2024

Ở nước ta, bệnh Dại đã lưu hành trong nhiều năm, đặc biệt có chiều hướng gia tăng liên tục trong thời gian gần đây sau đại dịch Covid-19. Năm 2021, trên cả nước còn 66 trường hợp tử vong, năm 2022 số ca tử vong tiếp tục tăng lên 70 ca, năm 2023 đã có 82 ca và 7 tháng đầu năm 2024 đã xảy ra 65 ca tử vong, tăng 10% so với cùng kỳ 2023 (59 ca). Bệnh đặc biệt tăng cao ở các tỉnh Bình Thuận (8 ca), Đak Lak (5 ca), Gia Lai (5 ca), Nghệ An (5 ca), Bến Tre (4 ca), Tây Ninh (4 ca), Hòa Bình (3 ca),… Bên cạnh đó số người bị chó, mèo và các loài động động vật khác cắn lên tới 700.000 người mỗi năm, gây tổn thất lớn về tính mạng, sức khỏe tinh thần và kinh tế của người dân.

Bệnh Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút Dại thuộc họ Rhabdoviridae, giống Lyssavirus gây ra, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Bệnh thường lưu hành ở các nước thuộc khu vực châu Á và châu Phi. Tại Việt Nam, bệnh Dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó. Bệnh thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh Dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn Dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh Dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng Dại. Tiêm vắc xin Dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó, mèo) là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh Dại.

          Bệnh Dại thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. Thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1 - 3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng Dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.

          Bệnh lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị Dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra vi rút Dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng và vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của bệnh nhân bị Dại cũng đã được báo cáo. Ngoài ra, còn có các đường lây truyền khác nhưng hiếm gặp hơn như lây truyền qua niêm mạc do tiếp xúc hoặc hít phải không khí giọt nhỏ chứa vi rút Dại trong hang dơi hoặc tai nạn ở phòng thí nghiệm.

          Cho tới nay, bệnh Dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong do Dại. Tức là cứ 9 phút lại có một người, 40% trong số đó là trẻ em sống ở Châu Á và Châu Phi. Vào năm 2015, thế giới đã kêu gọi hành động bằng cách đặt mục tiêu không có trường hợp tử vong do bệnh Dại do chó gây ra ở người vào năm 2030 trên toàn thế giới. Bệnh Dại được đưa vào Lộ trình kiểm soát toàn cầu các bệnh nhiệt đới bị lãng quên đoạn 2021-2030 của Tổ chức Y tế Thế giới.

Để tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh Dại, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và chính quyền các cấp, giảm thiểu các ca tử vong do bệnh Dại gây ra và giảm thiểu người bị tai nạn do động vật cắn. Đồng thời hướng tới mục tiêu khống chế và loại trừ bệnh Dại vào năm 2030, Tổ chức Y tế Thế giới phát động hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống bệnh Dại lần thứ 18 vào ngày 28/9/2024 với chủ đề “Chung tay phá vỡ rào cản – phòng chống bệnh Dại”.

Thực hiện quyết định số 2151/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 21/12/2021 về việc phê duyệt chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2022-2030, ngày 23/8/2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ban hành Công văn số 1409/VSDTT Ư-BTN về việc Hưởng ứng lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại 2024. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố báo cáo Sở Y tế về chủ trương hưởng ứng nội dung hoạt động của “Ngày Thế giới phòng chống bệnh Dại”. Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Thú y và các ban ngành đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, sự kiện mít tinh, treo băng rôn, khẩu hiệu tại địa phương nhằm tạo nên sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng về phòng chống bệnh Dại.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết