Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thái Bình: Tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Theo thông báo của Bộ Công an, thời gian gần đây, trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện từ, thuốc lá nung nóng và việc sử dụng các sản phẩm này có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ và có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng.
Ngày 13/5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; để triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Thái Bình ban hành Công văn số 138/BCĐ-CQTT ngày 29/8/2024 về việc tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Ban Chỉ đạo 138 tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ; nâng cao vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
2. Sở Y tế: Tăng cường thông tin, tuyên truyền về hậu quả, tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe cộng đồng; tham mưu, đề xuất triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo đúng quy định của pháp luật.
3.Công an tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu. Chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
3.Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo Đồn Biên phòng và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới biển, phối hợp với lực lượng Công an cơ sở tuần tra, kiểm soát trên tuyến ven biển để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
4.Cục Quản lý thị trường Thái Bình: Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường trên địa bàn tỉnh, thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
5. Chi cục Hải quan Thái Bình: Tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm đối với mặt hàng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm tại các tuyến, địa bàn có nguy cơ, rủi ro buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phối họp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
6.Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và về phòng chống tác hại của thuốc lá.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình và các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh: Tập trung tuyên truyền, cảnh báo hậu quả, tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phản ánh kết quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong phòng ngừa, kiểm soát liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, nhất là hoạt động phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu, các hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
8.Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường truyền thông rộng rãi về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên; xây dựng lồng ghép nội dung phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào chương trình giáo dục phù hợp với các cấp học; nghiêm cấm học sinh (trẻ dưới 18 tuổi) sử dụng, mua, bán thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cơ sở giáo dục.
9.Các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng phù họp với chương trình công tác và các hoạt động của cơ quan, các đơn vị.
10.Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
- Chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyến, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chưa được phép kinh doanh, sử dụng trên thị trường.
- Tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trên hệ thống truyền thanh cơ sở cho người dân trên địa bàn.
Thuốc lá điện tử có hại với sức khỏe con người thế nào?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe. Sử dụng thuốc lá điện tử gây nghiện nhanh chóng cho người sử dụng, đặc biệt ở những người trẻ tuổi, gây các bệnh cấp tính và mãn tính như bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp, tiêu hóa, ngộ độc, động kinh, các bệnh về răng miệng và ung thư. Tiếp xúc thụ động với Nicotine trong các sản phẩm này cũng gây tác động bất lợi cho sức khỏe bà mẹ và bào thai, ảnh hưởng xấu đối với sự phát triển não bộ bào thai, trẻ em và vị thành niên.
Thuốc lá điện tử còn sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất với các thiết kế đa dạng nên có thể bị lợi dụng để pha trộn ma túy và các chất gây nghiện khác. Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet ) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ. Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đặc biệt gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25, làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh, thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do Nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện Nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe các em.
Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất Nicotine. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn từ 2 đến 3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.
Thiết bị điện tử có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ mắt, mũi, xương hàm... Rác thải của bộ phận thiết bị điện tử, ống chứa dung dịch gây ảnh hưởng đến môi trường vì lượng chất thải rắn thải ra ngoài môi trường sau khi sử dụng, đặc biệt là với thiết bị sử dụng một lần.
Thuốc lá cho dù là thuốc lá điếu thông thường hay thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe con người và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Tổ chức Y tế giới khuyến cáo: Không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và không có một loại thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng không phải là sản phẩm ít hại hơn và không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.