• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm mùa Hè – Thu và hoạt động Tiêm chủng vắc xin năm 2024

Hiện nay thời tiết chuyển mùa Hè - Thu, nhiệt độ có sự giao động, nhiều đợt mưa xen kẽ, công tác vệ sinh môi trường ở cộng đồng còn hạn chế, kèm theo các hoạt động kinh tế - xã hội gia tăng, học sinh, sinh viên bắt đầu trở lại trường học và dịp nghỉ lễ Quốc khánh ngày 02/9/2024 sẽ gia tăng yếu tố nguy cơ cho một số dịch bệnh truyễn nhiễm bùng phát thành dịch như: sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, bệnh đường tiêu hóa, bệnh trong tiêm chủng mở rộng, cúm... bệnh xâm nhập như đậu mùa khỉ, sốt rét ngoại lai... (Tại Thái Bình tháng 8/2024 ghi nhận số mắc một số bệnh truyền nhiễm như: Sốt xuất huyết Dengue (105 trường hợp, trong đó 76 trường hợp nội sinh), hội chứng Cúm (1.821 trường hợp), Tay chân miệng (26 trường hợp).

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngày 26/8/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Bình ban hành Công văn số 355/KSBT-PCBTN về việc giám sát bệnh truyền nhiễm mùa Hè – Thu và hoạt động Tiêm chủng vắc xin năm 2024. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai một số nội dung sau:

Trung tâm Y tế huyện/thành phố:

- Căn cứ và tình hình bệnh truyền nhiễm của địa phương và thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (hàng tuần, hàng tháng): Đánh giá tình hình bệnh truyền nhiễm 8 tháng và tháng 8/2023 cũng như các yếu tố nguy cơ tại địa phương. Xác định các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gia tăng, có thể gây dịch và các điểm nguy cơ:

+ Các bệnh truyền nhiễm cần quan tâm hiện nay là Sốt xuất huyết Dengue (SXHD), hội chứng cúm, cúm gia cầm, Covid -19, Adenovirus, Tay chân miệng, Tiêu chảy cấp...; bệnh truyền nhiễm trong Tiêm chủng mở rộng (ho gà, sởi, bạch hầu); bệnh truyền nhiễm xâm nhập như Đậu mùa khỉ, Sốt rét ngoại lai, …

+ Các yếu tố nguy cơ và điểm nguy cơ là: nơi có ổ dịch cũ về các bệnh truyền nhiễm nhất là SXHD nội sinh; nơi nhiều hoạt động tập trung đông người, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ sở giáo dục nhất là nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học..; nơi có ứ đọng nước thải, yếu kém về vệ sinh môi trường, nước sạch sinh hoạt không đảm bảo …

- Tập trung chỉ đạo, thường xuyên tổ chức giám sát phát hiện các ca bệnh, chùm ca bệnh/nghi bệnh truyền nhiễm, các ổ dịch; điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm/gửi mẫu về Trung tâm KSBT tỉnh xét nghiệm, báo cáo và xử lý sớm, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

- Tiếp tục duy trì, tăng cường hoạt động vệ sinh môi trường và thu gom vật dụng phế thải, vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng nước sạch sinh hoạt … để chủ động phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai các nội dung theo chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 4847/BYT-DP ngày 19/8/2024 về chủ động triển khai phòng, chống dịch mùa tựu trường và Công văn số 3223/UBND-KGVX ngày 22/8/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình. Trung tâm KSBT phối hợp với các địa phương triển khai tập huấn công tác y tế trường học cho cán bộ y tế cơ sở và các trường.

- Triển khai giám sát bệnh Đậu mùa khi theo Công văn số 1652/SYT-NVY ngày 22/8/2024 của Sở Y tế và hướng dẫn giám sát, lấy/gửi mẫu bệnh phẩm theo hướng dẫn của Trung tâm KSBT đã tập huấn.

- Phối hợp và chủ động tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về bệnh truyền nhiễm, các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Rà soát, kiện toàn các Đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh các tuyến. Tham mưu bảo đảm nhân lực, thuốc, hóa chất, trang thiết bị và các điều kiện cho công tác phòng, chống dịch bệnh, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

Các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trong và ngoài công lập:

Chủ động triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm và phòng ngừa lây chéo bệnh truyền nhiễm tại đơn vị. Khi phát hiện các ca bệnh/chùm ca bệnh/ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cần thông báo, phối hợp với Trung tâm KSBT và các đơn vị y tế dự phòng trên địa bàn để kịp thời phối hợp điều tra, xử lý dịch bệnh nhanh chóng, hiệu quả.

Về Công tác tiêm chủng vắc xin:

- Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp tục rà soát các mũi vắc xin trong tiêm chủng mở rộng kể cả mũi đúng lịch và vét sót đồng thời lên kế hoạch triển khai tiêm chủng đảm bảo tiến độ, tỷ lệ các mũi tiêm năm 2024.

- Các địa phương, đơn vị triển khai các đợt tiêm bổ sung vắc xin phòng COVID-19 theo kế hoạch của Sở Y tế và báo cáo về Trung tâm KSBT; triển khai đồng bộ, thường xuyên việc cập nhật thông tin trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia đã được tập huấn.

- Triển khai các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, tuyên truyền cho các gia đình chủ động đị tiêm vắc xin cho trẻ đủ mũi, đúng lịch và vét sót sớm nhất khi tiếp cận được vắc xin (kể cả trong TCMR và vắc xin dịch vụ).

Người dân khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời; bảo đảm hậu cần, thuốc, vắc-xin, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể. Người dân tại nơi có dịch chấp hành nghiêm việc uống thuốc điều trị phòng bệnh và tiêm vắc-xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc phải thông báo ngay cho cán bộ y tế sở tại.

Trung tâm KSBT lưu ý người dân không hoang mang khi có thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin không chính thống, không tự ý tiêm vắc-xin. Trong trường hợp cần thiết, cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, bảo đảm thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều, đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết