• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh do Phế cầu khuẩn có thể phòng tránh

Phế cầu khuẩn (Streptococcus Pneumoniae) là loại vi khuẩn khu trú tại vùng mũi – họng gây ra nhiều bệnh lý khác nhau như: viêm tai giữa hoặc viêm xoang; viêm phổi, viêm màng não (viêm nhiễm màng bảo vệ xung quanh não và tủy sống), viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm phúc mạc, nhiễm trùng máu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm trên thế giới có 1,6 triệu người chết mắc bệnh do Phế cầu khuẩn, trong đó có đến 600.000 đến 800.000 người lớn gây nên viêm phổi, viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Các bệnh do Phế cầu khuẩn để lại di chứng và tỷ lệ tử vong từ 10 – 20%, đặc biệt ở trẻ nhỏ, người già, tỷ lệ tử vong lên đến 50%. Ước tính nửa triệu trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm trên toàn thế giới tử vong do Phế cầu khuẩn. Bệnh do Phế cầu khuẩn còn gặp ở cả người lớn tuổi, người bệnh lý nền, người có thể trạng suy kiệt, giảm miễn dịch…

Tại Việt Nam, hàng năm, có khoảng 4.000 trẻ em tử vong vì viêm phổi trong tổng số 2,9 triệu ca mắc Phế cầu khuẩn. Người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu, người có bệnh nền (Tim mạch, Đái tháo đường, Tăng huyết áp, COPD,…) chính là nhóm đối tượng có nguy cơ cao được các chuyên gia khuyến cáo cần phải chú ý phòng bệnh.

Phế cầu khuẩn có thể được phân lập từ vòm họng của 5-90% người khỏe mạnh, cụ thể: 5-10% người lớn là người mang mầm bệnh; 20-60% trẻ em trong độ tuổi đi học có thể là người mang mầm bệnh; 50-60% nhân viên phục vụ tại các cơ sở quân sự có thể là người mang mầm bệnh. Thời gian mang mầm bệnh khác nhau và thường ở trẻ em sẽ kéo dài hơn người lớn.

Phế cầu khuẩn là tác nhân thường được phát hiện trong tình trạng đồng nhiễm, bội nhiễm ở nhiều bệnh nhân Covid-19, COPD, Cúm...

Đường lây truyền

Phế cầu khuẩn dễ lây lan thông qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh qua đường hô hấp như hắt hơi, ho, hôn hoặc sử dụng chung đồ dùng cá nhân. Ai cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn phế cầu ở vùng họng dẫn đến các bệnh khác nhau hoặc không bị bệnh. Những người lành mang mầm bệnh vẫn có thể lây lan vi khuẩn cho người khác bằng những giọt nhỏ từ mũi hoặc miệng khi họ thở, ho hoặc hắt hơi.

Nếu người bệnh có triệu chứng sốt cao trên 38,5 độ C trên 2 ngày, nôn, mệt mỏi li bì... nên nhập viện để bác sĩ chẩn đoán tìm nguyên nhân gây bệnh.

Các biện pháp phòng bệnh

Mỗi người cần thực hiện vệ sinh cá nhân sạch sẽ, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người có triệu chứng viêm đường hô hấp, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc đông người, đặc biệt đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh do phế cầu. Bên cạnh đó, mỗi người cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thường xuyên tập thể dục, giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi hay mùa lạnh…

Các đối tượng nên tiêm vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn: Trẻ em từ 2 tháng tuổi trở lên; người trên 65 tuổi; người có hệ thống miễn dịch yếu; người mắc các bệnh lý nền; người hút thuốc lá, nghiện rượu nặng; người bệnh trải qua phẫu thuật hoặc mắc bệnh nghiêm trọng… cần được phòng bệnh do phế cầu khuẩn gây ra bằng tiêm vaccine./.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB