• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Số ca mắc Sốt xuất huyết tại Thái Bình gia tăng

Dịch Sốt xuất huyết (SXH) đang vào giai đoạn cao điểm khi số ca mắc, số ca nội sinh tại Thái Bình đều tăng so với tuần trước, với 28 ca được ghi nhận rải rác ở các địa phương, trong đó 14 ca nội sinh. Tổng số ca mắc SXH được báo cáo từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh là 429 ca, 62% trong số đó là nội sinh, không ghi nhận tử vong do SXH.

Ngành Y tế Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch SXH, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch; tổng vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật đựng nước đọng; tổ chức phun hoá chất diệt muỗi chủ động tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn; phát động chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy đến các thôn, xóm, tổ dân phố; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát véc tơ truyền bệnh tại các địa phương có ca mắc sốt xuất huyết và các địa phương có ổ dịch cũ về SXH...Công tác điều tra dịch tễ, giám sát, thu thập thông tin về ca bệnh và các trường hợp liên quan đã được triển khai để ngăn chặn kịp thời, tránh dịch lây lan ra cộng đồng.

SXH Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên qua đường muỗi truyền. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Virus Dengue có 4 tuýp, Vì vậy, chúng ta có nhiều nguy cơ mắc SXH Dengue thậm chí bị nặng nếu đã từng bị SXH Dengue trước đó. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa (tháng 4 đến tháng 11).

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu thông qua vết chích của muỗi bị nhiễm virus Dengue.Vec-tơ truyền bệnh SXH là muỗi vằn Aedes aegypti. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 typ huyết thanh, cả 4 chủng này đều lưu hành ở Việt Nam, vì vậy 1 người có thể có nguy cơ mắc bệnh này đến 4 lần.Sau khi muỗi Aedes aegypti hút máu từ người nhiễm virus Dengue thì virus này sẽ nằm dưới tuyến nước bọt của muỗi ủ bệnh khoảng 10 - 12 ngày sau đó truyền virus gây bệnh cho người khỏe mạnh khi bị muỗi đốt. Bản thân người bệnh cũng là nguồn lây truyền virus cho các con muỗi khác, nhất là khi muỗi thường xuyên thay đổi vật chủ, nó sẽ càng làm tăng nguy cơ lây truyền virus cho nhiều người và khiến cho sốt xuất huyết trở thành dịch.

SXH có 3 giai đoạn:  giai đoạn ủ bệnh thường từ 4- 10 ngày; giai đoạn khởi phát: Thường sốt cao đột ngột và giai đoạn toàn phát, có các biểu hiện sau:

- Hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc với biểu hiện sốt cao trung bình từ 4 - 7 ngày, có bệnh nhân sốt đến 15- 19 ngày. Một số trường hợp có sốt 2 pha: pha đầu sốt 4 - 7 ngày, hết sốt 1 -3 ngày, sau đó lại sốt lại. Có thể gai rét, nhức đầu nhiều, đau mỏi toàn thân, nhất là đai sau hốc mắt, buồn nôn, nôn, ăn ngủ kém, mệt nhiều.

- Hội chứng xuất huyết  xuất hiện ở ngày thứ 4 - 7 của bệnh, các dạng xuất huyết, thường gặp là xuất huyết dưới da dạng chấm, đốm, nốt hay mảng xuất huyết ở vùng bụng, ngực cẳng tay, cánh tay...; xuất huyết niêm mạc như chảy máu cam, chảy máu lợi, chân răng, có khi xuất huyết dưới kết mạc mắt; xuất huyết phủ tạng như xuất huyết tiêu hóa  biểu  hiện bằng nôn ra máu,  ỉa phân đen; xuất huyết đường hô hấp như ho ra máu; xuất huyết tiết niệu như đái ra máu; ở phụ nữ xuất huyết tử cung, kinh nguyệt bất thường, kéo dài ...

- Ngoài ra,  SXH có các biểu hiện khác như: mạch nhanh, yếu, huyết áp tụt, da và chân tay lạnh...; đau bụng vùng gan, phân lỏng, bụng chướng...

Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh SXH trở nặng, ngoài các yếu tố về điều trị, chăm sóc, diễn biến của bệnh thì SXH trở nặng do sự chủ quan của người bệnh và người thân. Đây chính là một nguyên nhân phổ biến khiến tình trạng bệnh trở nặng và nguy kịch.

Biến chứng của SXH gồm có các biến chứng chính như:  Sốc;  Hôn mê và hội chứng não cấp; Xuất huyết phủ tạng nặng, giai đoạn muộn do đông máu nội mạch. Các biến chứng khác như: Tràn dịch màng phổi; Phù nề khe tim; Xuất huyết cơ tim; Tràn dịch màng ngoài tim; Suy thận cấp...

Hiện Việt Nam chưa có vaccine và thuốc đặc trị cho SXH Dengue, chủ yếu chữa các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng gây nặng bệnh và tử vong. Do đó, khi nghi ngờ hoặc bị SXH, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Người dân cần cần chú ý thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải…Việc chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh SXH. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn, dùng tinh dầu xua muỗi, hương muỗi…/.


Tác giả: Hoàng Thía
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB