Huyện Đông Hưng có 539 trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm trong tháng 01/2024
Hiện nay, thời tiết giao mùa giữa mùa Xuân và mùa Hè là thời điểm mà nhiều vi khuẩn, vi rút cũng như các tác nhân gây bệnh phát triển mạnh mẽ. Các bệnh thường mắc vào mùa Xuân Hè như: Viêm kết mạc mùa xuân, Thuỷ đậu, Sốt phát ban, Quai bị, Viêm đường hô hấp cấp do vi rút hợp bào hoặc COVID-19..., Cúm mùa, Tiêu chảy cấp, Tay Chân Miệng…Trẻ em là đối tượng dễ chịu tác động bởi những thay đổi này, do đó cha mẹ cần có những biện pháp phòng bệnh phù hợp để giảm nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Chỉ riêng huyện Đông Hưng, trong tháng 01/2024, toàn huyện có 539 trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bao gồm: Tiêu chảy cấp, Sốt xuất huyết, Hội chúng cúm,… trong đó, nhiều nhất là hội chứng Cúm với 331 trường hợp.
Mọi gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh mùa Xuân - Hè cho trẻ như sau:
1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Tắm rửa sạch sẽ; Súc miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn;
2. Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm khi có người mắc bệnh: Hạn chế tối đa tiếp xúc người mắc bệnh lây truyền như Cúm, Thủy đậu, quai bị...Đeo khẩu trang khi tiếp xúc và che miệng, mũi bằng khăn giấy khi ho hắt hơi.
3. Với các bệnh lý do dị ứng với sự thay đổi mùa, phấn hoa...thì cần tránh tiếp xúc với nguồn gây dị ứng như đội mũ, đeo kính râm, đeo khẩu trang, tránh ánh nắng, vì không để trẻ gần các nguồn nhiệt làm bệnh nhẹ đi nhiều.
4. Tiêm chủng vắc-xin đầy đủ phòng ngừa là biện pháp tốt hiện nay để ngăn ngừa một số bệnh như bệnh thủy đậu, cúm, sởi, quai bị, một số tác nhân gây tiêu chảy...Nên cho trẻ tiêm phòng khi có thể, để giúp phòng bệnh hiệu quả hơn.
5. Giữ vệ sinh nơi ở, nơi làm việc: Cần tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên lau các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày của trẻ như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Vứt rác đúng nơi quy định, thu gom và xử lý rác, tránh xa nguồn nước. Không để vũng nước hoặc dụng cụ có nước đọng để tránh muỗi phát triển gây bệnh.
6. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Đảm bảo bạn luôn ăn chín uống sôi, không ăn các thức ăn sống hay tái như tiết canh, nem chua, các món gỏi...
7. Tránh muỗi đốt: Muỗi là vật trung gian gây nhiều bệnh như: Sốt xuất huyết, Sốt rét, Viêm não Nhật Bản, Nhiễm virus West Nile, Sốt vàng da, Sốt virus Chikungunya... Nên cần tránh việc bị muỗi đốt như ngủ màn, dùng lưới chắn muỗi, xoa thuốc muỗi, phun thuốc diệt muỗi...
8. Giữ ấm cơ thể tránh lạnh, nhưng cũng giữ môi trường có thể xông phòng bằng các loại tinh dầu sả chanh, dầu tràm...có thể giúp giữ ấm phòng, đuổi muỗi.
9. Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục hàng ngày như chơi đùa, chạy chơi ngoài nắng để bổ sung Vitamin D.
10. Nếu nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.