Kết quả tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh Thái Bình và một số lưu ý khi tiêm vắc xin phòng COVID-19
Từ cuối năm 2019 đến nay, thế giới đã gánh chịu sự tàn phá khủng khiếp của đại dịch COVID-19. Toàn thể nhân loại đang phải gồng mình chống lại dịch bệnh bằng nhiều biện pháp như: thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa, xét nghiệm, điều trị...
Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực trong việc tìm hiểu, phát triển và cung cấp các loại vắc-xin mới để kiểm soát đại dịch nguy hiểm này.Theo các nhà chuyên môn, tính đến nay, ước tính trên toàn thế giới đã có hàng trăm loại vắcxin thử nghiệm được nghiên cứu để đối phó với sự tàn phá do chủng mới vi rút SARS-CoV-2 gây ra.
Trước sự tàn phá của đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam cũng đã có những Nghị quyết, văn bản chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xất và sử dụng vắc xin để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam đã có hàng triệu liều vắc xin phòng COVID-19 được mua nhập khẩu để phòng ngừa dịch bệnh cho cộng đồng.
Tại Thái Bình,với số liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ, ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh tổ chức triển khai hiệu quả và hoàn thành chiến dịch tiêm chủng đợt 1 năm 2021 với tổng số đối tượng tiêm chủng COVID-19 là 13.813 trường hợp (đạt 100% kế hoạch đề ra). Ngày 31/5/2021, tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 đợt 2 năm 2021, đến ngày 21/6/2021 đã tiêm được 10.809 liều, đảm bảo an toàn.
Cũng như tất cả các vắcxin khác đã sử dụng,vắcxin phòng COVID-19 khi được tiêm vào cơ thể có thể xảy ra những phản ứng không mong muốn. Do vậy, các cơ sở thực hiện tiêm chủng, người tiêm và người được tiêm cần lưu ý một số nội dung quan trọng sau:
Người đi tiêm chủng cần đeo khẩu trang, thực hiện Thông điệp 5K phòng lây nhiễm dịch COVID-19 . Đó là: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế”.
Các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm gồm: phản ứng phổ biến đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt,... và có thể có các phản ứng hiếm gặp khác như phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy các cơ sở tiêm chủng thực hiện nguyên tắc "bốn tại chỗ", bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng, chống sốc và xử trí kịp thời.
Ðáng chú ý, cũng như tất cả các vắcxin khác, vắcxin phòng COVID-19 khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 01 đến 02 ngày đầu sau tiêm). Vì thế, ngoài các quy định bảo đảm an toàn tiêm chủng, đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm. Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để bảo đảm giãn cách, bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm.
Ðể bảo đảm an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần có sự chuẩn bị trước khi đi tiêm như tự đánh giá nguy cơ bản thân, nếu có nguy cơ mắc COVID-19 cần xét nghiệm để bảo đảm không bị nhiễm virút. Nếu có bất cứ triệu chứng nào như sốt hoặc triệu chứng nhiễm trùng, cần thông báo cho nhân viên y tế và không đến điểm tiêm chủng. Ngoài ra, nếu là người mắc các bệnh lý nền nặng hoặc tiến triển, cần điều trị ổn định trước khi đi tiêm chủng bởi rất dễ xảy ra trùng hợp ngẫu nhiên và có thể cho rằng nguyên nhân là do tiêm chủng. Tại thời điểm đi tiêm, người tham gia tiêm chủng cần thông báo đầy đủ cho y, bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bản thân bao gồm tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng với bất cứ tác nhân nào để được chỉ định tiêm chủng phù hợp và an toàn. Trong buổi tiêm, cần tuân thủ các quy định theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đeo khẩu trang, tránh chạm vào các vị trí công cộng; phối hợp cùng cán bộ tiêm chủng kiểm tra nhãn lọ nếu được yêu cầu,… Khi ngồi, cần quay mặt về hướng khác với hướng có cán bộ y tế; cung cấp đầy đủ thông tin khi được yêu cầu và kiểm tra lại phiếu xác nhận tiêm chủng khi được trao lại.
Sau khi tiêm xong, cần ở lại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế tư vấn và theo dõi ít nhất 30 phút. Thông báo ngay cho cán bộ y tế nếu thấy có bất thường xảy ra với cơ thể. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng. Sau khi về nhà, người được tiêm chủng cần theo dõi sức khỏe bản thân ít nhất hai ngày. Những điểm cần lưu ý bao gồm các dấu hiệu tại chỗ như sưng, nóng, đỏ tại nơi tiêm (chú ý tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì vào nơi tiêm). Theo dõi thân nhiệt, cặp nhiệt độ khi sốt, sử dụng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và theo dõi đáp ứng với thuốc hạ sốt. Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe, phải báo ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời. Các dấu hiệu nguy cơ bao gồm: sốt cao trên 390C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; co giật; phát ban; tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở hoặc khi có biểu hiện bất thường khác về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế.
Phiếu xác nhận tiêm chủng cần được lưu giữ cẩn thận và mang đến điểm tiêm khi đi tiêm mũi tiếp theo. Mặc dù những phản ứng có thể xảy ra khi tiêm vắcxin phòng COVID-19 không phổ biến, nhưng với đối tượng được tiêm lại là người có bệnh lý nền thì việc cẩn trọng trong giám sát sức khỏe là hết sức cần thiết, để tránh những rủi ro. Mọi thông tin về sức khỏe sau tiêm cần cung cấp cho cán bộ y tế, để công tác theo dõi phản ứng sau tiêm đánh giá đúng về đặc điểm của vắcxin cũng như góp phần giúp ngành Y tế kịp thời có những điều chỉnh cần thiết liên quan đến vắc-xin và tiêm chủng./.