• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không thể chủ quan với bệnh Dại

Bệnh Dại là gì?

Bệnh Dại là một bệnh truyền nhiễm do virus Dại thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae gây ra có trong nước bọt của những động vật bị bệnh Dại. Khi đã lên cơn Dại, kể cả là động vật hay con người đều sẽ tử vong nhanh chóng trong đau đớn và hoảng loạn. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên dưới 100 người tử vong vì Dại, các ca mắc Dại chủ yếu là do chó, mèo cắn. Cho đến nay bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin, người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.

Nguyên nhân gây bệnh Dại

Virus Dại thuộc giống Lyssavirus, họ Rhabdoviridae gây ra có trong nước bọt của những động vật bị bệnh Dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm bệnh Dại cho động vật khác hoặc con người thông qua vết cắn. Trong một vài trường hợp, bệnh Dại có thể được lây nhiễm thông qua sự tiếp xúc nước bọt với vết thương hở, niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi. Động vật bị nhiễm bệnh Dại nhưng vẫn còn trong giai đoạn ủ bệnh liếm lên vết thương trên da bạn là bạn đã có thể bị nhiễm bệnh.

       Triệu chứng của bệnh Dại

       Bệnh Dại khi phát sẽ có 2 thể chính bao gồm thể viêm não và thể liệt:

  Thể viêm não: Triệu chứng đầu tiên là sốt, nhức đầu hoặc kiệt sức, kèm theo chán ăn, mất ngủ, bồn chồn, đồng thời xuất hiện triệu chứng sợ nước, sợ gió. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân tăng tiết nước bọt nên không thể nhai, nuốt và thường xuyên khạc nhổ. Sau đó, đồng tử bệnh nhân sẽ bị giãn nên mắt nhìn sáng long sòng sọc, co thắt hầu họng, xuất tinh tự nhiên, cường dương và sẽ tử vong nhanh chóng

Thể liệt: Xuất hiện triệu chứng liệt từ tay, chân đến các cơ, rối loạn tiểu tiện, đại tiện. Ngay khi liệt lan đến cơ hô hấp thì bệnh nhân sẽ tử vong.

Trong một số trường hợp, người bị chó cắn vì quá lo sợ nên đã ám ảnh mình bị Dại và sinh ra nhiều biểu hiện, hành động và âm thanh khác thường. Đó là những trường hợp được cho là giả Dại. Thực tế, người bị Dại sẽ hoàn toàn tỉnh táo cho đến lúc chết chứ không hề điên dại.

 Đường lây truyền của Bệnh Dại

Bệnh Dại lây từ nước bọt của động vật bị Dại thông qua vết cắn, liếm. Ổ chứa virus Dại trong thiên nhiên thông thường là động vật có máu nóng, đặc biệt là chó. Ngoài ra, virus Dại cũng được phát hiện ở mèo, chồn, dơi và các động vật có vú khác. Ngay khi vào cơ thể, virus Dại xâm nhập vào các dây thần kinh ngoại biên, chạy dọc theo các dây thần kinh đến tủy sống và não bộ. Mỗi ngày, virus Dại di chuyển được “đoạn đường” từ 12-24mm. Ngay khi virus đến não bộ, người bệnh mới thật sự có những dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời gian ủ bệnh Dại có thể dưới 1 tuần hoặc trên 1 năm, phụ thuộc vào số lượng virus xâm nhập vào cơ thể, sự nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách từ vết thương đến hệ thần kinh trung ương…Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài…thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Bệnh Dại có lây truyền từ người sang người?

Mặc dù hiếm gặp nhưng Y khoa đã ghi nhận trường hợp bệnh Dại lây truyền trực tiếp từ người sang người. Các nguy cơ lây nhiễm từ người sang người chủ yếu thông qua vùng da bị tổn thương, qua niêm mạc, do sử dụng chung đồ ăn, vật dụng có nhiễm nước bọt của người mắc Dại. Tuy nhiên, việc lây nhiễm Dại từ người sang người không phổ biến.

Bệnh Dại có lây qua đường ăn uống không?

Cho đến hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào bệnh Dại xảy ra trên người do uống sữa hay do ăn thịt động vật đã nấu chín. Tuy nhiên, những người làm nghề giết mổ gia súc chuyên nghiệp có thể có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi giết động vật bị Dại và xử lý phần não hoặc các bộ phận khác bị nhiễm virus. 

Người bị chó cắn nguy cơ mắc Dại

Người bị chó cắn nếu không tiêm phòng sẽ có thể phát bệnh Dại. Tuy nhiên, không phải 100% người bị chó cắn đều bị Dại. Nguy cơ nhiễm Dại phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm con vật có bị Dại hay không, lượng virus trong nước bọt của con vật nhiều hay ít, vết thương nông hay sâu, có vệ sinh sát khuẩn vị trí tổn thương kịp thời ngay sau khi bị chó cắn hay không…Tiêm phòng Dại ngay sau bị chó cắn vẫn là biện pháp phòng tránh và bảo vệ hiệu quả nhất.

Khi bị chó cắn nên làm gì?

Bước 1: Vệ sinh vết thương:

  • Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.
  • Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn I-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà xát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

Bước 2: Băng bó vết thương

Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

Bước 3: Tiêm phòng

Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng Dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng Dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.

      Lưu ý, xử lý khi bị chó cắn, người bệnh không nên làm những điều sau:

  • Không đắp, xát bất cứ loại lá nào lên vết thương.
  • Không chữa Dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá.
  • Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

            Cách phòng, chống bệnh Dại

Bệnh Dại nguy hiểm, nhưng có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại. Để chủ động phòng, chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Diệt ngay chó và động vật lên cơn Dại hoặc nghi mắc bệnh Dại trong khu vực ổ dịch.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng virus Dại tại vết cắn.

- Không chà xát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh Dại. Sau đó cần đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.

- Khi xử lý vết thương do bị động vật cắn người dân cần chú ý: Không băng kín, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương; Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.

- Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Việc khám và điều trị dự phòng dại bằng tiêm vắc xin và huyết thanh kháng Dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn.Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.

Trong vòng 06 tháng sau tiêm vắc xin, người dân không sử dụng bất kỳ các loại đồ uống có cồn như rượu, bia, đặc biệt có một số thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành kháng thể kháng vi rút Dại của cơ thể, khi đi khám bệnh cần báo cho bác sĩ biết việc mình đang tiêm phòng Dại.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết