Kiểm soát các ca bệnh Thuỷ đậu kịp thời tại 03 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần qua, Thái Bình ghi nhận 34 ca bệnh Thuỷ đậu tại 03 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Hưng Hà, Tiền Hải và Thành phố. Cụ thể, tại trường Mầm non xã Thái Phương (Hưng Hà) ghi nhận 10 ca mắc, trường Mầm non xã Tây Tiến (Tiền Hải) ghi nhận 16 ca mắc, trường Tiểu học Quang Trung (Thành phố) ghi nhận 08 ca. Các ca bệnh đều có biểu hiện nhẹ và được cách ly, chăm sóc, theo dõi sức khoẻ tại gia đình.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, kiểm soát không để dịch lây lan, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn y tế các địa phương và trường học theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Thuỷ đậu trên địa bàn nói chung và tại trường học ghi nhận ca bệnh nói riêng. Chủ động giám sát, phát hiện sớm và cách ly kịp thời các trường hợp mắc mới, thực hiện khử trùng, khử khuẩn theo quy định. Hiện tại các trường học trên đều không ghi nhận thêm các ca bệnh thứ phát, các ổ dịch cơ bản được kiểm soát, không bùng phát ra cộng đồng.
Thủy đậu hay còn được gọi là trái rạ, phỏng dạ, là bệnh nhiễm trùng do virus Varicella -Zoster gây ra. Người mắc bệnh sẽ phát ban, nổi mụn nước nhỏ có chứa đầy dịch, gây ngứa. Bệnh rất dễ lây cho những người chưa được tiêm vaccine hoặc chưa từng nhiễm virus Varicella - Zoster.
Bệnh thủy đậu phát triển trong vòng 10 - 21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Điều đặc biệt bệnh dễ lây từ 1 - 2 ngày trước khi nổi ban ngứa cho đến khi tất cả những vết phồng đã đóng vảy (thông thường trong vòng 5 ngày từ khi những vết phồng nổi lên). Các nghiên cứu cho thấy, trẻ nào có hệ miễn dịch bị suy yếu mà mắc thủy đậu thì có thể phải mất một thời gian lâu hơn để những mụn thuỷ đậu đóng vảy. Có khoảng 90% người chưa từng mắc thuỷ đậu sẽ dễ mắc bệnh nếu tiếp xúc với người thân bị nhiễm bệnh thủy đậu.
Theo thống kê hàng năm của ngành y tế, thủy đậu có xu hướng gia tăng vào những tháng đầu xuân, đầu hè. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, thời tiết giao mùa là yếu tố khiến bệnh thủy đậu bùng phát mạnh, số ca mắc bệnh tăng cao.
Ngành Y tế nhận định trong thời gian tới, dịch bệnh Thủy đậu sẽ tiếp tục bùng phát nếu người dân không chủ động phòng ngừa. Ngành Y tế cũng khuyến cáo, khi phát hiện mắc Thủy đậu, người bệnh cần cách ly trong không gian thoáng đãng, hạn chế đến nơi đông người và tránh tiếp xúc với những người khác trong gia đình cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần có chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ hợp lý, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để nâng cao sức đề kháng, mau chóng phục hồi sức khỏe. Cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nên tắm bằng nước ấm và các dung dịch vệ sinh dịu nhẹ để hạn chế mụn nước lây lan và ngăn ngừa nhiễm trùng. Đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn mặt, chăn ga, gối, nệm sau khi giặt sạch bằng xà phòng cần được khử khuẩn qua nước sôi hoặc ngâm trực tiếp vào dung dịch Cloramin B pha loãng với nước.
Trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng cần được tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần chủ động cho con em tiêm vắc xin Thuỷ đậu để tránh nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, người lớn và trẻ em cần tiêm phòng các vắc xin khác như: Phế cầu, Cúm, Tiêu chảy Rota, Viêm gan B…theo hướng dẫn của cán bộ y tế để giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. /.