Lưu ý khi trẻ mắc tiêu chảy cấp do Rota vi rút
Vi rút Rota là loại vi rút gây ra bệnh Tiêu chảy cấp, viêm dạ dày ruột cấp nặng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vi rút lây qua đường phân - miệng, tay - miệng và khả năng lây nhiễm rất cao. Loại vi rút này được thải ra theo đường tiêu hoá ở người nhiễm bệnh, tồn tại bền vững trong môi trường. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi do thói quen cho tay vào miệng. Tỷ lệ trẻ mắc Rotavirus ở nước ta chỉ đứng thứ 2 sau bệnh nhiễm trùng hô hấp.
Virus Rota là nguyên nhân chính gây tình trạng nhiễm trùng đường ruột (còn gọi là tiêu chảy cấp) ở trẻ dưới 5 tuổi (đặc biệt là trẻ 3 - 24 tháng tuổi). Hằng năm, tiêu chảy cấp là nguyên nhân gây ra hơn 600.000 ca tử vong của trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Virus sẽ tấn công vào hệ tiêu hóa, khiến trẻ bị nôn ói, đi ngoài nhiều và mất nước trầm trọng. Nếu không điều trị bù nước kịp thời thì trẻ có thể bị tử vong.
Biểu hiện bệnh: Bệnh có thể khởi phát đột ngột với triệu chứng nôn từ 1 - 3 ngày, đi ngoài phân lỏng, sống hoặc nhiều nước ngày 3 lần trở lên, có thể lên tới hàng chục lần, 20 lần/ngày, sốt, mệt, da khô, mắt trũng, có thể co giật…Nhiễm Rotavi rút khiến người bệnh, nhất là trẻ em dễ bị mất nước, ảnh hưởng đến thể trạng toàn thân như tình trạng rối loạn nước điện giải nhanh, suy dinh dưỡng... Nếu không được chữa trị kịp thời, trẻ có thể nặng lên và nguy hiểm đến tính mạng.
Đường lây truyền của Rota vi rút
Rota vi rút thường lây qua đường ăn uống khiến đường tiêu hóa bị rối loạn vận động dẫn tới tình trạng tiêu chảy cấp. Khi trẻ tiếp xúc với bề mặt có chứa virus và đưa tay lên miệng, virus có thể xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa sau đó gây tiêu chảy cấp. Đáng nói, không thể khử khuẩn Rota vi rút bằng dung dịch xà phòng thông thường mà cần phải sử dụng dung dịch diệt khuẩn có cồn.
Phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rota vi rút
- Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị Tiêu chảy cấp do vi rút Rota. Những phương pháp giữ gìn vệ sinh cơ thể như rửa tay đúng cách, tắm gội bằng xà phòng, vệ sinh ăn uống, vệ sinh đồ chơi… chỉ có tác dụng phòng ngừa khi bệnh chưa xảy ra. Nếu trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cách ly trẻ để không lây nhiễm cho trẻ khác. Sau khi trẻ đi vệ sinh cần vệ sinh bồn cầu bằng dung dịch diệt khuẩn có cồn. Khi xuất hiện dịch hoặc có những nguy cơ tiềm ẩn nên vệ sinh nhà cửa bằng Cloramin B.
- Trong trường hợp vi rút đã xuất hiện, những biện pháp vệ sinh không thể tiêu diệt được vi rút. Để chủ động bảo vệ trẻ em khỏi vi rút Rota, bố mẹ nên cho trẻ đi uống vắc xin phòng Rota vi rút theo đúng lịch khuyến cáo.
- Nếu trẻ bị tiêu chảy cấp cần được xử lý nhanh và kịp thời, chống mất nước bằng cách: trẻ nhỏ tiếp tục cho bú mẹ, uống sữa; cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước hoa quả, dung dịch Oresol,...); ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, đủ dinh dưỡng, đảm bảo ăn chín, uống sôi...và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Cha mẹ tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc truyền miệng hay phương pháp dân gian để chữa tiêu chảy cấp do Rota vi rút vì không những không có tác dụng mà có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Để phòng bệnh, các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống vắc xin phòng ngừa Rota vi rút. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ nhiễm virus qua đường tiêu hóa (thức ăn, nước uống, đồ vật nhiễm bẩn,...) nên cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ (vệ sinh thân thể, thực phẩm, môi trường, đồ đạc,...). Đồng thời, phụ huynh cũng nên đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết trong khẩu phần ăn của bé để trẻ có đủ sức chống đỡ trước bệnh tật, giúp cơ thể mau chóng phục hồi sau tiêu chảy.