• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thái Bình: Triển khai Kế hoạch Phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người

Nhằm phối hợp giám sát phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức điều tra xử lý các ổ dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người; Kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với các cấp độ dịch bệnh, ngày 29/03/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh triển khai Kế hoạch số 55/KH-PHPCD phối hợp triển khai phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Nội dung hoạt động của Kế hoạch như sau:

1. Chia sẻ, cập nhật và trao đổi các thông tin về ca bệnh, ổ dịch trên động vật hoặc trên người:

a, Các thông tin về trường hợp bệnh, ổ dịch trên động vật

- Ngày phát hiện trường hợp bệnh, ổ dịch đầu tiên nghi ngờ mắc bệnh hoặc đã xác định mắc bệnh thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người;

- Tên, loài động vật mắc bệnh;

- Địa điểm ghi nhận các trường hợp bệnh, ổ dịch trên động vật, số mắc, chết, số đàn lây nhiễm;

- Triệu chứng lâm sàng của động vật nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người;

- Kết quả xét nghiệm: ngày xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm, số mẫu xét nghiệm dương tính, âm tính;

- Đặc điểm chăn nuôi động vật bị mắc bệnh;

- Các biện pháp phòng, chống đã triển khai;

- Đề xuất, kiến nghị các biện pháp giải quyết tiếp.

 b, Các thông tin về trường hợp bệnh, ổ dịch trên người:

- Ngày khởi phát, ngày ghi nhận trường hợp bệnh, ổ dịch trên người đầu tiên bị nghi ngờ hoặc đã xác định là mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người;

- Địa điểm, số trường hợp mắc, chết;

- Triệu chứng chính của các trường hợp mắc, chết;

- Kết quả xét nghiệm: ngày xét nghiệm, phương pháp xét nghiệm, số mẫu xét nghiệm dương tính, âm tính;

- Các yếu tố nguy cơ;

- Các biện pháp phòng, chống đã triển khai;

- Đề xuất, kiến nghị các biện pháp giải quyết tiếp.

c, Phương thức, thời hạn trao đổi thông tin trong giám sát bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người

- Việc trao đổi thông tin trong giám sát bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người trong trường hợp đột xuất hoặc theo định kỳ phải được thực hiện bằng văn bản.

- Trường hợp khẩn cấp có thể trao đổi trực tiếp, điện thoại, fax hoặc thư điện tử nhưng trong vòng 24h kể từ khi phát hiện ca bệnh, ổ dịch ở người hoặc động vật nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người phải gửi văn bản theo quy định tại Thông tư 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT.

- Việc trao đổi thông tin theo định kỳ tháng, quý, năm về tình hình bệnh lây truyền giữa động vật và người thực hiện theo quy định.

d, Chia sẻ mẫu bệnh phẩm

- Tất cả các mẫu bệnh phẩm của động vật nghi ngờ mắc bệnh thuộc danh mục các bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người hoặc của người nghi ngờ mắc bệnh lây truyền từ động vật được thu thập trong quá trình giám sát, điều tra ổ dịch phải được cung cấp cho cơ quan thú y hoặc y tế khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan thú y hoặc y tế cùng cấp;

- Thời gian thực hiện việc chia sẻ mẫu bệnh phẩm: trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

- Quá trình bàn giao, bảo quản vận chuyển mẫu bệnh phẩm phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chuyên môn trong đó đặc biệt là quy trình đảm bảo an toàn sinh học.

e) Phân công đơn vị đầu mối thực hiện trao đổi thông tin trong giám sát bệnh lây truyền từ động vật sang người

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (ĐT: 02273.638.722).

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Phòng Quản lý dịch bệnh.

- Tuyến huyện: Đầu mối là Trung tâm Y tế huyện, thành phố; Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện.

- Tuyến xã, phường: Đầu mối là các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn và Ban Chăn nuôi - Thú y xã.

2. Điều tra xử lý ổ dịch

a) Thành lập Đội điều tra, xử lý ổ dịch

- Khi phát hiện động vật nghi mắc bệnh thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người, cơ quan thú y có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương hỗ trợ cơ quan thú y thực hiện điều tra ổ dịch, cơ quan thú y có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan y tế cùng cấp và kết quả điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định của pháp luật về thú y.

- Khi phát hiện người bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người, cơ quan y tế dự phòng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan thú y cùng cấp thành lập Đội điều tra, xử lý ổ dịch theo quy định.

b) Điều tra, xử lý ổ dịch, báo cáo tình hình bệnh dịch

- Nội dung điều tra ổ dịch bệnh động vật:

+ Thu thập thông tin ban đầu ở thời điểm trước và trong thời gian xảy ra ổ dịch, xác định các đặc điểm dịch tễ cơ bản và sự tồn tại của ổ dịch; truy xuất nguồn gốc ổ dịch;

+ Cập nhật thông tin về ổ dịch, bao gồm: kiểm tra, đối chiếu với những thông tin được báo cáo trước đó; kiểm tra lâm sàng, số lượng, loài, lứa tuổi, ngày phát hiện động vật mắc bệnh, xác định ca bệnh đầu tiên; số lượng động vật mắc bệnh; thuốc thú y, vắc xin, hóa chất đã được sử dụng; xác định các yếu tố nguy cơ có liên quan;

+ Mô tả diễn biến của ổ dịch theo thời gian, địa điểm, động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; đánh giá về nguyên nhân ổ dịch;

+ Đề xuất tiến hành nghiên cứu các yếu tố nguy cơ;

+ Tổng hợp, phân tích, đánh giá và đưa ra chẩn đoán xác định ổ dịch, xác định dịch bệnh, phương thức lây lan;

+ Báo cáo kết quả điều tra ổ dịch, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh trong thời gian tiếp theo, đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch.

- Điều tra ổ dịch trên người

+ Điều tra nguồn lây;

+ Xác định hành vi nguy cơ;

+ Lấy mẫu từ người nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh, động vật nghi ngờ truyền bệnh sang người và tiên hành xét nghiệm xác định;

- Xử lý ổ dịch

+ Việc xử lý ổ dịch trên người thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và có sự phối hợp của ngành thú y trong các vấn đề liên quan;

+ Việc xử lý ổ dịch trên động vật thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và có sự phối hợp của ngành y tế trong các vấn đề liên quan.

Quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc các bên cùng bàn bạc trao đổi để thống nhất giải quyết.

c) Báo cáo kết quả điều tra, xử lý ổ dịch:

- Ngay sau khi kết thúc quá trình điều tra, xử lý ổ dịch các đơn vị liên quan báo cáo kết quả với cơ quan cấp trên và chính quyền sở tại đề có ý kiến chỉ đạo.

- Việc công bố thông tin tình hình bệnh dịch trên người và trên động vật phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Công tác truyền thông

a) Nội dung truyền thông:

- Tên loại bệnh, dịch truyền nhiễm;

- Đường lây bệnh truyền nhiễm;

- Các yếu tố, hành vi nguy cơ;

- Biện pháp phòng, chống lây nhiễm.

Các nội dung và thông điệp truyền thông phải có sự thống nhất giữa các đơn vị y tế và nông nghiệp về nội dung, phương thức truyền thông.

b) Thực hiện truyền thông

- Hàng năm các đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động truyền thông theo lĩnh vực phụ trách, có thể phối hợp triển khai để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông.

- Trong tình huống dịch thì thực hiện như sau:

+ Trường hợp có ổ dịch trên động vật có khả năng lây truyền sang người nhưng chưa phát hiện ca bệnh trên người: Chi cục Thú y tỉnh là đơn vị đầu mối, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xây dựng thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh và triển khai truyền thông.

- Trường hợp phát hiện người bị nghi ngờ hoặc đã được xác định mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đơn vị đầu mối, phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh xây dựng thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh và triển khai truyền thông.

4. Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về phòng, chống bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người

a) Phối hợp trong đào tạo, tập huấn

- Đối với các hoạt động đào tạo tập huấn của trung ương: Các đơn vị cử cán bộ tham gia đào tạo tập huấn khi có yêu cầu để cùng phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tại tỉnh.

- Đối với các hoạt động đào tạo, tập huấn trong tỉnh: Nếu là hoạt động liên ngành thì:

+ Thống nhất xây dựng kế hoạch và các nội dung chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người.

+ Phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn theo kế hoạch đã được phê duyệt.

+ Cử cán bộ theo đề nghị của ngành y tế hoặc nông nghiệp tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn.

b) Phối hợp trong nghiên cứu khoa học

- Chia sẻ thông tin, số liệu liên quan đến nội dung đề tài nghiên cứu theo đề nghị bằng văn bản của các cơ quan thuộc ngành y tế hoặc nông nghiệp.

- Cử cán bộ tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học do ngành y tế hoặc ngành nông nghiệp thực hiện.

- Thông báo kết quả nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm lây truyền giữa động vật và người cho các đơn vị y tế hoặc nông nghiệp sau khi được nghiệm thu chính thức./.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết