• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Huyện Đông Hưng chủ động phòng chống dịch bệnh Sốt xuất huyết (SXH)

Tháng 3/2024, tại Thôn Anh Dũng, xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có phát hiện cháu bé gái Hoàng Huyền My, sinh năm 2023 mắc SXH nội sinh. Bé vừa được Bệnh viện Nhi Thái Bình cho xuất viện trở về nhà sau một thời gian điều trị SXH tại bệnh viện. Hiện nay sức khỏe của bé đã ổn định. 

Hằng ngày bố mẹ bé đi làm, bé ở nhà với ông bà. Khi được hỏi về biểu hiện ban đầu của bệnh, bà Hoàng Thị Mỵ , địa chỉ Thôn Anh Dũng, xã Đông La, Đông Hưng, Thái Bình là bà của bé My cho biết: “ Lúc đầu cháu bị sốt nhẹ, khi đo nhiệt độ thấy cháu sốt 37o8, người cháu thấy phát ban đỏ nên gia đình cho cháu đi khám tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. Tại Bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán là cháu bị mắc SXH và cho cháu nhập viện điều trị. Đến nay, sức khoẻ của cháu đã ổn định.”

Đây là trường hợp mắc SXH nội sinh đầu tiên của xã Đông La kể từ đầu năm 2024 đến nay. Hiện tại, xã chưa phát hiện trường hợp mắc mới, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Để không cho dịch lây lan, ngay sau khi phát hiện ca bệnh Trạm Y tế xã đã báo cáo dịch kịp thời theo quy định, đồng thời phối kết hợp với chính quyền địa phương và nhân dân trong thôn triển khai các biện pháp vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy, khoanh vùng, dập dịch. Chia sẻ về biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Chị Bùi Thị Ga - Quyền trưởng TYT xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình nói: “ Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện và xã về công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và dịch SXH nói riêng, ngay từ đầu năm TYT xã đã tham mưu với UBND xã xây dựng kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh. Tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH thông qua y tế thôn và qua Đài phát thanh xã. Vừa qua, TYT có nhận được tin cháu bé 10 tháng tuổi tại Thôn Anh Dũng bị mắc SXH được điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. Ngay lập tức, chúng tôi đã cử cán bộ xuống gia đình điều tra, xác minh và báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch (PCD) và Trung tâm Y tế huyện.Đồng thời, chúng tôi cử cán bộ kết hợp với gia đình, y tế thôn để làm công tác tổng vệ sinh môi trường, hướng dẫn VSMT, lật úp những dụng cụ đọng nước, phun khử khuẩn và ngủ màn”.

Trước tình hình dịch SXH có thể nguy cơ lan rộng, Ban Chỉ đạo PCD của xã đã thường xuyên phát động phong trào toàn dân thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) để phòng, chống SXH. Phân công các thành viên BCĐ PCD của xã phối hợp với cán bộ TYT, y tế thôn cùng nhân dân tuyên truyền các biện pháp PCD cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Người dân đã từng bước hình thành ý thức, thói quen về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thường xuyên hàng ngày và thực hiện tổng vệ sinh môi trường vào ngày 24 hàng tháng nhằm bảo vệ sức khỏe mọi gia đình.

Nói về biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, chị Nguyễn Thị Xim, Thôn Anh Dũng - xã Đông La - huyện Đông Hưng - tỉnh Thái Bình chia sẻ: “ Để phòng, chống SXH cho gia đình thì chúng tôi phải lật úp tất cả những vật dụng chứa nước đọng trong nhà, kể cả cốc nước thắp hương, sau khi thắp hương xong mình cũng phải đổ cước đi và úp cốc xuống, phun thuốc diệt muỗi. Nhà tôi có trẻ nhỏ thì phải ngủ màn kể cả ban ngày.”

Tính từ đầu năm đến ngày 25/3/2024, toàn huyện Đông Hưng đã phát hiện 11 ca mắc SXH, tất cả đều là SXH nội sinh. Trung tâm Y tế huyện Đông Hưng đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chủ động triển khai kế hoạch giám sát, điều tra, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để không để lây lan thứ phát tại cơ sở y tế và cộng đồng; đảm bảo dự phòng, ngăn chặn, cảnh báo sớm với dịch bệnh nhằm đảm bảo “ an ninh y tế” của nhân dân trước dịch bệnh và dịch SXH.

Ông Vũ Viết Họa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đông Hưng, Thái Bình cho biết: “ Trước diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, trong năm 2024, ngay từ đầu năm TTYT huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch PCD. BCĐ PCD của huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, cung cấp tài liệu tuyên truyền để gửi cho các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là Đài truyền thanh xã. TTYT huyện cung cấp hóa chất PCD và Cloramin B cho các xã để xử lý PCD. Và khi có ổ dịch diễn biến phức tạp tại địa phương như xã Đông La thì Trung tâm đã cử đội PCD xuống dịa phương và phối hợp với các thôn và người dân để xử lý ổ dịch, đảm bảo không để dịch lây lan.”

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về công tác phòng, chống dịch nói chung và phòng chống SXH nói riêng, UBND và Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Đông Hưng đã chỉ đạo UBND và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các xã trong huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tăng cường truyền thông phòng, chống SXH. Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh SXH, phát hiện sớm các ca bệnh để khoanh vùng, xử lý ổ dịch, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp mắc, ngăn chặn biến chứng nặng và tử vong. Đến nay, tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn huyện tương đối ổn định, hiện không có ca mắc mới.

 BSCKI Trương Minh Hoàng, Phó khoa Kiểm dịch Y tế - Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: “ Ngay sau khi có thông báo về ca SXH nội sinh tại Thôn Anh Dũng, xã Đông La, huyện Đông Hưng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã cử đoàn xuống tận gia đình điều tra, giám sát ca bệnh. Qua thực tế cho thấy, được sự quan tâm của TTYT huyện Đông Hưng, sự vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, TYT xã Đông La đã xây dựng Kế hoạch PCD bệnh ngay từ đầu năm, trong đó có phòng chống bệnh SXH, chính vì thế nên khi có ổ dịch SXH, TYT đã chủ động xử lý ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Chúng tôi nghĩ rằng ổ dịch ở Thôn Anh Dũng, xã Đông La, huyện Đông Hưng sẽ sớm được dập dịch và không có nguy cơ lan rộng”

Với mục tiêu dự phòng, khống chế, kiểm soát có hiệu quả các bệnh truyền nhiễm, trong đó bệnh SXH, không để xảy ra dịch lớn, BCĐ PCD của huyện luôn chủ động sẵn sàng kịch bản ứng phó với từng tình huống của dịch. Tích cực triển khai các biện pháp PCD, chú trọng tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức PCD, vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng, diệt loăng quăng và muỗi, thực hiện phương châm: “Không có bọ gậy, không có sốt xuất huyết”, quyết tâm không để xảy ra dịch chồng dịch, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của huyện./.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết