• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH THÁI BÌNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 2. Viêm gan B, C lây truyền như thế nào?

Thưa quý vị và các bạn!

           Gan đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể và giúp chúng ta sống khoẻ mạnh mỗi ngày. Hiện nay, trên Thế giới có khoảng 354 triệu người nhiễm virus viêm gan, trong đó 296 triệu người sống chung với viêm gan B. Hơn 3.000 người tử vong mỗi ngày do virus viêm gan. Tại Việt Nam, cứ 100 người thì có khoảng 10 người mắc viêm gan B hoặc C. Hiện viêm gan B và C đã có thể điều trị một cách hiệu quả nếu được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình với sự tư vấn và hỗ trợ từ các bác sĩ/chuyên gia của tỉnh và tổ chức HAIVN xin chia sẻ tới người dân và cộng đồng những thông tin về bệnh viêm gan B và C. Hôm nay là bài truyền thông số 2 với nội dung: Viêm gan B, C lây truyền như thế nào?

Thưa quý vị và các bạn!

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu viêm gan B và C KHÔNG lây truyền qua nước bọt, đồ ăn, tiếp xúc tay hay sữa mẹ. Điều này có nghĩa là virus viêm gan B và C không lây truyền qua các hoạt động xã hội thường ngày như ôm hôn, ăn uống chung. Như vậy, người có viêm gan B, C có thể sống an toàn với gia đình họ và mẹ mắc viêm gan B hoặc C vẫn có thể cho con bú an toàn.          

Virus viêm gan B và C có trong máu và dịch sinh dục, nghĩa là Bệnh viêm gan B, C lây qua đường máu, bao gồm lây từ mẹ sang con khi sinh, và lây qua quan hệ tình dục.

Viêm gan B chủ yếu lây truyền từ mẹ sang con; mẹ mắc viêm gan B có nguy cơ cao đến 90% truyền cho con nếu mẹ không biết mình bị mắc để phòng tránh. Từ đó, 9/10 trẻ mắc viêm gan B từ mẹ sẽ mang virus suốt đời và có nguy cơ bị xơ gan và ung thư gan, làm giảm tuổi thọ đáng kể.

Viêm gan B có thể lây truyền cho vợ/chồng/bạn tình thông qua quan hệ tình dục đường âm đạo hoặc hậu môn.

Nguy cơ lây truyền viêm gan B qua đường máu cũng rất cao khi dùng chung dụng cụ tiêm truyền, bị các vật sắc nhọn nhiễm máu của người có Viêm gan B đâm; hoặc dùng chung các dụng cụ có thể nhiễm máu của người Viêm gan B như dao cạo, bàn chải răng.

Những người sinh trước năm 2005 khi chưa có vắc xin phòng viêm gan B có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người đã được tiêm phòng.

Viêm gan B KHÔNG PHẢI là bệnh di truyền, nhưng do các đặc điểm lây truyền từ mẹ sang con, qua QHTD, và lây qua đường máu, mắc Viêm gan B có xu hướng tập trung vào các gia đình; ví dụ mẹ và các con cùng mắc, anh chị em đều mắc do lây truyền từ mẹ, vợ chồng cùng mắc. Có gia đình khi có người xơ gan do Viêm gan B mới phát hiện ra những người khác cũng mắc Viêm gan B.

Còn viêm gan C chủ yếu lây qua đường máu như dùng chung dụng cụ tiêm truyền, truyền máu và chế phẩm máu trước năm 1990 (khi máu không được sàng lọc viêm gan C), sử dụng chung dao cạo và bàn chải răng và lây qua quan hệ tình dục đường hậu môn. Như vậy Viêm gan C phổ biến ở nhóm những người sử dụng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ tiêm chích khác; nam quan hệ tình dục đồng giới và người có nhiều bạn tình; người được truyền máu và chế phẩm máu trước năm 1990.

          Mọi người dân, bao gồm những người hoàn toàn khoẻ mạnh và không biết đã từng tiếp xúc với bất kỳ ai bị viêm gan hãy đến Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; Bệnh viện Đa khoa huyện/thành phố; Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình để được tư vấn các dịch vụ xét nghiệm, dự phòng và điều trị viêm gan B, C. Đối với 2 huyện Quỳnh Phụ và Tiền Hải, hãy gọi điện thoại: BVĐK Quỳnh Phụ: 085. 666. 8295 hoặc BVĐK Tiền Hải: 0988. 723. 784.

                         BS CKII Lưu Thị Ánh Tuyết - PGĐ Trung tâm KSBT


Tác giả: BS CKII Lưu Thị Ánh Tuyết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB