• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng, chống bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván

 Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván là tên 03 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng và để lại biến chứng tới sức khỏe cũng như tính mạng của con người, nhất là đối tượng trẻ em có sức khỏe và đề kháng non yếu. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván là biện pháp có hiệu quả trong việc phòng tránh khả năng mắc 3 bệnh lý này.

Bệnh Bạch hầu là gì?

Bệnh Bạch hầu là bệnh lý gây ra bởi 1 loại vi khuẩn có tên là Corynebacterium diphtheriae. Loại vi khuẩn xuất hiện ở rất nhiều nơi trong môi trường sống xung quanh chúng ta. Đặc biệt, chúng tồn tại nhiều ở những môi trường đặc biệt như khi người bệnh ho hắng, hắt hơi, chảy nước mũi,…Vi khuẩn lây truyền từ dịch tiết của người bệnh ra không khí, sau đó có thể bám trụ lên bề mặt những đồ vật, dụng cụ. Nếu người khỏe mạnh không may có tiếp xúc gần hoặc sờ, chạm vào đồ vật, dụng cụ có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu thì cũng có khả năng mắc bệnh Bạch hầu. Bệnh lý Bạch hầu nếu không được điều trị đúng cách sẽ có khả năng để lại những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh như: viêm cơ tim, viêm hệ dây thần kinh,….

Bệnh Ho gà là gì?

Bệnh Ho gà là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Ho gà (trực khuẩn có 2 đầu là Bordetella pertussis) gây bệnh ở người. Ho gà có những triệu chứng rõ rệt có thể nhận thấy ở bên ngoài như: người bệnh bị ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn dài, sau cơn ho có lúc ngừng thở tím tái; nôn sau cơn ho, thoạt đầu nôn ra thức ăn rồi đến nước dãi trong suốt; sau mỗi cơn ho, trẻ mệt bơ phờ, mình đẫm ồ hôi và thở gấp. Nếu không được phát hiện và có biện pháp điều trị, bệnh Ho gà có thể tiến triển ngày càng nặng và để lại những hậu quả khó lường tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Bệnh Uốn ván là gì?

Bệnh Uốn ván là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố (Tetanus exotoxin) của trực khuẩn uốn ván (Clostridium Tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Bệnh Uốn ván xảy ra khi loại vi khuẩn này xâm nhập, tấn công vào cơ thể thông qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn, đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị họai tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển. Vi khuẩn gây bệnh cho cơ thể và có thể lan truyền vào đường máu. Bệnh Uốn ván có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thần kinh của con người, có thể gây đe dọa tới tính mạng, thậm chí tử vong.

Cần làm gì để phòng tránh bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván?

Bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván được coi là 03 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ em do hệ miễn dịch và sức khỏe còn non yếu. Do đó, vắc xin ra đời giúp bảo vệ con người khỏi khả năng nhiễm bệnh, cũng như là phòng tránh việc lây lan bệnh dịch trong cộng đồng, xã hội. Có thể nói, việc tiêm vắc xin phòng Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván đóng vai trò quan trọng trong công cuộc miễn dịch cộng đồng, nâng cao chất lượng sức khỏe và làm giảm gánh nặng cho ngành y tế trong việc điều trị bệnh.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đưa trẻ em đi tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm quan trọng, đặc biệt là giai đoạn 02 năm đầu đời. Việc này giúp bảo vệ hệ thống miễn dịch cho trẻ em, đồng thời tạo đà phát triển khỏe mạnh của trẻ sau này. Bên cạnh đó, đối tượng thanh thiếu niên, người lớn trưởng thành cũng rất cần tiêm chủng các mũi tiêm theo phác đồ được chỉ định, nhằm nâng cao sức đề kháng cho bản thân và gia đình. Tiêm chủng vắc xin sẽ giúp chúng ta giảm dần được tỉ lệ các biến chứng để lại sau khi mắc bệnh, giúp người dân yên tâm và tập trung vào các hoạt động cuộc sống hàng ngày.

Một số loại vắc xin phòng Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván

Hiện nay, có một số loại vắc xin có tác dụng bảo vệ và phòng tránh bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván như sau:

- Loại vắc xin 6 in 1: là loại vắc xin có tác dụng phòng tránh và bảo vệ con người khỏi khả năng mắc 6 loại bệnh, đó là: Ho gà - Uốn ván- Bạch hầu - Bại liệt - Viêm gan B - Viêm màng não mủ, Viêm phổi do Hib. Đây là loại vắc xin thường được sử dụng để tiêm cho đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi.

- Loại vắc xin 5 in 1: là loại vắc xin có tác dụng phòng 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đó là: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván – Viêm gan B - Viêm màng não mủ, Viêm phổi do Hib. Loại vắc xin này được khuyến cáo nên tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ em do Bộ Y tế đưa ra. Bố mẹ có thể đưa trẻ đi tiêm loại vắc xin này tại các Trạm Y tế phường, xã, địa phương nơi cư trú.

- Loại vắc xin DTaP: là loại vắc xin bào chế ra nhằm phòng tránh con người khỏi khả năng mắc Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván. Loại vắc xin này thường được áp dụng tiêm chủng cho trẻ em dưới 7 tuổi.

- Loại vắc xin Tdap: là loại vắc xin được bào chế có giảm liều bệnh Ho gà và Bạch hầu.Vắc xin này thường được sử dụng để tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đối tượng thanh thiếu niên từ 11 tuổi trở lên.

- Loại vắc xin DT và Td: là loại vắc xin chỉ có tác dụng phòng bệnh và bảo vệ con người khỏi bệnh Bạch hầu và Uốn ván. Tuy nhiên 2 loại vắc xin này chỉ được dùng theo chỉ định và không phổ biến.

- Loại vắc xin 4 in 1: là loại vắc xin có tác dụng phòng tránh 4 loại bệnh: Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván - Bại liệt.

Thời điểm và số mũi tiêm vắc xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván

Vắc xin Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván cần tiêm đúng thời điểm và đủ mũi tiêm mới đạt được khả năng tạo kháng thể miễn dịch chủ động của cơ thể tốt nhất như sau:

Đối với trẻ từ 0 - 6 tuổi

Phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm đủ 5 mũi tiêm vắc xin có chứa thành phần Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván tại các thời điểm sau:

Mũi tiêm thứ 1: Khi trẻ đủ 2 tháng tuổi.

Mũi tiêm thứ 2: Khi trẻ đủ 3 tháng tuổi.

Mũi tiêm thứ 3: Khi trẻ đủ 4 tháng tuổi.

Mũi tiêm thứ 4: Nhắc lại khi trẻ 18 - 24 tháng tuổi.

Mũi tiêm thứ 5: Nhắc lại khi trẻ 4 - 6 tuổi.

Nếu cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng mở rộng, cần lưu ý theo dõi lịch ở Trạm Y tế xã, phường thông báo, tránh bỏ sót làm lỡ thời điểm tiêm cho trẻ.

Đối với người trưởng thành

Kháng thể chống lại bệnh Bạch hầu - Ho gà - Uốn ván với người đã được tiêm phòng trước đó sẽ suy giảm dần với tốc độ khá chậm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người nên tiêm nhắc lại vắc xin phòng Uốn ván và Bạch hầu (vắc xin Td) sau mỗi 10 năm.

Một số tác dụng phụ sau khi tiêm vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván

Hầu hết các phản ứng phụ thường hay xảy ra ở đối tượng trẻ em. Cần theo dõi trẻ và quan sát nếu xuất hiện một số hiện tượng sau đây:

- Hiện tượng hơi sưng đỏ, đau ở vết tiêm và xung quanh vết tiêm. Bố mẹ không nên chườm đắp gì lên vết tiêm. Giữ vệ sinh sạch sẽ vùng tiêm. Đa số hiện tượng này sẽ tự biến mất sau khoảng 1-2 ngày sau tiêm.

- Hiện tượng trẻ quấy khóc, bỏ ăn, sốt nhẹ,…Đây cũng là hiện tượng bình thường sau khi tiêm có thể xảy ra ở một vài trẻ. Bố mẹ nên theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Cho trẻ mặc đồ thoáng mát, ăn nhiều đồ lỏng, dễ tiêu hóa.

- Ngoài ra, một số phản ứng hiếm gặp sau khi tiêm đó là: co giật, sốc phản vệ, dị ứng,…Những trường hợp này bố mẹ nên lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.


Tác giả: Bs Trần Hương
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết