Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình triển khai Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số y tế và bảo đảm an toàn thông tin mạng, góp phần xây dựng hệ thống y tế của tỉnh hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận thông tin y tế để sử dụng các dịch vụ y tế có hiệu quả cao và được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe; ngày 26/03/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình ban hành Kế hoạch số 50/KH-KSBT về Thực hiện Chuyển đổi số tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình năm 2024.
Mục tiêu của Kế hoạch như sau:
- 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; triển khai việc ký số, gửi nhận văn bản trên môi trường điện tử (trừ các tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
- 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành được thực hiện trên môi trường mạng;
- 30% hoạt động giám sát, hỗ trợ kỹ thuật được thực hiện thông qua môi trường mạng và hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin;
- 80% cán bộ viên chức, người lao động được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 100% cán bộ công nghệ thông tin được đào tạo, tập huấn kỹ năng quản trị, khai thác dữ liệu và công nghệ số;
- 100% hạ tầng kỹ thuật thông tin hoạt động ổn định khi chuyển trụ sở mới;
- 100% dữ liệu Giấy khám sức khỏe lái xe được liên thông lên Cổng Giám định BHYT của cơ quan BHXH;
- 70% các giao dịch thanh toán không sử dụng tiền mặt, đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt;
- Triển khai mới phần mềm khám sức khỏe y tế lao động; Duy trì và phát triển trang thông tin điện tử của đơn vị;
- Phát triển mở rộng hệ thống quản lý tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm... đồng bộ từ tuyến xã đến tuyến tỉnh.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Kế hoạch :
- Chuyển đổi nhận thức
Tiếp tục tuyên truyền đến các khoa, phòng tại đơn vị và cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ viên chức, người lao động đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành y tế.
Chủ động xây dựng các chương trình truyền thông về triển khai y tế số trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, khám chữa bệnh.
Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền đến cán bộ viên chức, người lao động của đơn vị về kiến thức cơ bản của chuyển đổi số và lợi ích của chuyển đổi số mang lại.
Xây dựng quy trình nghiệp vụ về an toàn thông tin và nâng cao ý thức về an toàn thông tin của cán bộ viên chức, người lao động trong quá trình chuyển đổi số.
- Phát triển hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin mạng
Tiếp tục phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm nhằm đáp ứng sự tăng trưởng về thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu y tế.
Chủ động đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật thông tin khi chuyển trụ sở làm việc mới.
Đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo hồ sơ cấp độ an toàn thông tin được phê duyệt.
- Phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin y tế
Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử.
Triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, phần mềm Y tế lao động, ... tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối với tất cả các trang thiết bị hiện có nhằm nâng cao khả năng tự động hóa.
- Phát triển nguồn nhân lực
Tiếp tục tham gia các lớp đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin áp dụng trong ngành y tế. Bổ sung nhân lực và đào tạo, phát triển đội ngũ phụ trách CNTT tại đơn vị.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ viên chức và người lao động của đơn vị về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế.
- Hợp tác, nghiên cứu
Nghiên cứu kế hoạch hợp tác, tham quan, học tập học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, mô hình triển khai chuyển đổi số ngành y tế tại các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Tham gia hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ về chuyển đổi số.