• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mối nguy mắc bệnh truyền nhiễm: Cha mẹ cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch

Tiêm chủng đặc biệt quan trọng đối với trẻ em vì trẻ em có sức đề kháng yếu, việc tiêm chủng chậm trễ hoặc trẻ không được tiêm chủng có thể dẫn đến việc trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm. Tiêm chủng có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib...

 Trong những năm gần đây, sự gia tăng số trẻ không được tiêm chủng đầy đủ đang trở thành mối lo ngại toàn cầu. Thực tế cho thấy, việc trì hoãn hoặc bỏ qua các mũi tiêm chủng có thể khiến trẻ đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Tiêm chủng đúng lịch, đủ liều là biện pháp hiệu quả và bền vững nhất để bảo vệ sức khỏe trẻ em trước các mầm bệnh nguy hiểm vẫn đang tồn tại trong cộng đồng.

          Trẻ em – Đối tượng dễ tổn thương trước mầm bệnh

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, đặc biệt nhạy cảm với các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, bệnh do vi khuẩn Hib, phế cầu, cúm, não mô cầu... có thể gây biến chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong.

Những con số đáng lo ngại

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), trong năm 2023, thế giới ghi nhận khoảng 4,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong, phần lớn do những bệnh lý có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng báo cáo có đến 14,5 triệu trẻ không được tiêm bất kỳ loại vắc xin nào, góp phần khiến nhiều bệnh từng được kiểm soát như sởi, ho gà quay trở lại với quy mô dịch đáng báo động trong năm 2024 và 2025. Đáng chú ý, trong 50 năm qua, vắc xin đã cứu sống gần 154 triệu người, trong đó 95% là trẻ em dưới 5 tuổi, đồng thời giúp giảm thiểu hàng triệu ca tử vong do các bệnh như bạch hầu, ho gà, sởi, viêm gan… và tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng chi phí y tế cho gia đình và xã hội.

Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch – Hành động nhỏ, lợi ích lớn

Mỗi loại vắc xin đều có thời điểm “vàng” để tiêm nhằm tạo ra hiệu quả miễn dịch tốt nhất. Việc trì hoãn tiêm chủng không chỉ khiến trẻ giảm khả năng được bảo vệ, mà còn có thể làm gián đoạn miễn dịch cộng đồng, tạo điều kiện cho mầm bệnh lây lan. Ngoài ra, việc sắp xếp lại lịch tiêm sau khi bỏ lỡ cũng dễ dẫn đến quên mũi, sai phác đồ, làm giảm hiệu quả tiêm chủng. Do đó, các gia đình có con nhỏ cần chủ động đưa trẻ đi tiêm đúng lịch vào ngày 25 hàng tháng tại các trạm Y tế trong toàn tỉnh hoặc vắc xin dịch vụ theo khuyến cáo của bác sĩ. Chỉ trong trường hợp trẻ mắc bệnh cấp tính hoặc có chỉ định hoãn tiêm từ cơ sở y tế mới nên tạm dừng tiêm, sau đó cần tiêm bù sớm để đảm bảo miễn dịch.

CDC Thái Bình – Địa chỉ tiêm chủng tin cậy cho cộng đồng

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng của tỉnh, hiện đang triển khai đầy đủ các chương trình tiêm chủng mở rộngdịch vụ tiêm chủng theo yêu cầu. Các loại vắc xin được cung cấp phong phú, bao gồm: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, cúm, dại, HPV, vắc xin 5 trong 1, Rota... CDC Thái Bình cũng triển khai các chiến dịch tiêm chủng theo chỉ đạo của Ngành Y tế như tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến 15 tuổi...

Thông tin liên hệ tư vấn về sức khỏe và tiêm chủng tại CDC Thái Bình:

  • Website: cdcthaibinh.vn
  • Địa chỉ: 113 Nguyễn Tông Quai, Phường Trần Lãm, TP Thái Bình
  • Điện thoại: 02273.837.118.

Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết