Ngành Y tế Thái Bình triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025
Căn cứ Quyết định số 1136/QĐ-BYT ngày 03/04/2025 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 và Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 25/4/2025 của UBND tỉnh Thái Bình về việc giao chỉ tiêu chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, ngày 06/5/2025 Sở Y tế Thái Bình xây dựng Kế hoạch số 67/KH-SYT về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2025.
Mục đích của Kế hoạch đề ra là: Đảm bảo các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong mọi tình huống bão lụt và thảm họa, thiên tai; Bảo vệ an toàn tính mạng của người bệnh và cán bộ công nhân viên chức, người lao động; Hạn chế thấp nhất về tài sản khi xảy ra bão lụt và thảm họa thiên tai; Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện trang thiết bị dụng cụ, thuốc, hóa chất, đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, TKCN cũng như xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh trong và sau thiên tai, thảm họa; Chủ động phòng chống, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, lụt bão, thảm họa gây ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế nghiêm túc thực hiện việc Đánh giá công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, rút ra những kết quả đã đạt được, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức cấp cứu người bị nạn và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa. Kiện toàn Ban Chỉ huy và Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 của ngành và các đơn vị, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ huy, danh sách Ban Chỉ huy, số điện thoại cần liên lạc được niêm yết tại đơn vị và báo cáo Ban Chỉ huy cấp trên trực tiếp quản lý.
Thực hiện phương án đảm bảo theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ: lãnh đạo đơn vị có mặt tại hiện trường trước, trong và sau khi có bão, lụt, thảm họa xảy ra. Lực lượng tại chỗ: huy động tối đa nguồn lực cán bộ y tế tại chỗ, phân công nhiệm vụ hợp lý để duy trì hoạt động trong suốt thời gian có bão, lụt, thiên tai, thảm họa xảy ra. Phương tiện tại chỗ: đủ thuốc, vật tư y tế, hóa chất tại nơi xảy ra bão, lụt, thảm họa. Hậu cần tại chỗ: đủ xăng dầu, máy phát điện đảm bảo hoạt động khi không có điện; đủ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ người bệnh khi có bão, lụt, thiên tai, thảm họa xảy ra.
Đồng thời, các đơn vị thành lập các đội cấp cứu lưu động, mỗi đội gồm 3-4 cán bộ (trong đó có 1-2 BS), phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trạm Y tế xã, phường, thị trấn huy động cán bộ trạm y tế và y tế thôn, tổ dân phố tham gia. Chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, cơ số dụng cụ y tế. Chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, dụng cụ, lương thực, thực phẩm và các phương án phòng chống bão, lụt, thiên tai, thảm hoạ. Việc chuẩn bị cho các hoạt động phải hoàn thành trước ngày 15/5/2025.
Để công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025 được hiện theo đúng Kế hoạch đề ra, Ngành Y tế đề nghị Ban Chỉ huy của ngành tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống lụt bão, thảm họa của các đơn vị và một số Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Ban Chỉ huy các đơn vị xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra tại đơn vị và đơn vị trực thuộc. Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc tổ chức triển khai nội dung Kế hoạch trên của Sở Y tế./.