• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh thận mạn tính - Căn bệnh âm thầm dễ bị bỏ sót

 Bệnh thận mạn tính là một trong những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, do diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu, căn bệnh này rất dễ bị bỏ sót, dẫn đến hậu quả nặng nề về sau như suy thận giai đoạn cuối, cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Bệnh thận mạn tính là gì? Bệnh thận mạn tính là tình trạng suy giảm chức năng thận kéo dài ít nhất 3 tháng, ảnh hưởng đến khả năng lọc máu và đào thải các chất độc, chất thải ra khỏi cơ thể. Khi chức năng thận suy giảm, các chất độc hại tích tụ trong máu, gây ra hàng loạt rối loạn về chuyển hóa, tim mạch và nhiều cơ quan khác.

 Bệnh được chia làm 5 giai đoạn dựa vào mức lọc cầu thận (GFR). Ở giai đoạn đầu (giai đoạn 1 và 2) bệnh gần như không có triệu chứng người bệnh vẫn cảm thấy bình thường nên rất ít ai đi khám để phát hiện. Đến khi bệnh bước sang giai đoạn 3-5 các biểu hiện mới rõ rệt hơn như mệt mỏi, tiểu đêm nhiều, phù chân tay, ăn kém, buồn nôn, cao huyết áp hoặc da xanh xao.

 Thực trạng đáng báo động tại Việt Nam theo thống kê năm 2024, Việt Nam có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn chiếm khoảng 12,8% dân số mỗi năm có khoảng 8.000 ca mắc mới được ghi nhận.

 Đáng chú ý số lượng bệnh nhân cần điều trị lọc máu do tiến triển của bệnh thận mạn lên đến khoảng 800.000 người, trong khi cả nước chỉ có trên 5.000 máy lọc thận đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu.

 Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh thận mạn là đái tháo đường và tăng huyết áp - hai căn bệnh phổ biến trong cộng đồng hiện nay. Ngoài ra, một số bệnh lý khác như viêm cầu thận, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, lạm dụng thuốc giảm đau không kê đơn, lối sống thiếu lành mạnh cũng góp phần thúc đẩy sự tiến triển của bệnh.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn tính bao gồm: Người bị đái tháo đường, người bị tăng huyết áp lâu năm, người trên 60 tuổi, người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận, người béo phì, rối loạn mỡ máu, người thường xuyên dùng thuốc giảm đau, kháng sinh không đúng chỉ định...

Việc tầm soát bệnh thận mạn nên được thực hiện định kỳ, đặc biệt ở những đối tượng nguy cơ cao. Các xét nghiệm đơn giản như định lượng creatinin máu, vi đạm trong nước tiểu, đo huyết áp, siêu âm thận có thể giúp phát hiện sớm bệnh. Khi được chẩn đoán sớm, người bệnh có thể điều chỉnh lối sống, dùng thuốc kiểm soát tốt các bệnh lý nền, từ đó làm chậm tiến trình suy thận.

 Phòng ngừa và điều trị bệnh thận mạn tính

Hiện nay, bệnh thận mạn tính chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn. Việc điều trị nhằm mục đích làm chậm tiến trình suy giảm chức năng thận, kiểm soát các biến chứng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Việc thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh kiểm soát đường huyết và huyết áp, hạn chế muối, uống đủ nước, không hút thuốc lá, không tự ý dùng thuốc là những biện pháp cần thiết.

 Việc nâng cao nhận thức, tầm soát định kỳ và kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ là chìa khóa quan trọng giúp phát hiện và quản lý hiệu quả căn bệnh này. Hãy chủ động bảo vệ thận của bạn ngay hôm nay bằng cách ăn uống hợp lý như ăn nhạt, hạn chế ăn đạm, ăn nhiều rau xanh hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày, vận động thường xuyên như tập thể dục đều đặn mỗi ngày, không lạm dụng thuốc và khám sức khỏe định kỳ./.


Tác giả: Đoàn Huê
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết