Chung tay phòng, chống bệnh tật tan máu bẩm sinh: Vì một thế hệ tương lai khỏe mạnh
Ngày 08/5 hàng năm được chọn là Ngày Thalassemia Thế giới - dịp để cả cộng đồng cùng nâng cao nhận thức về căn bệnh tan máu bẩm sinh, một bệnh lý di truyền nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh.
Với thông điệp “Hiểu biết để yêu thương - Sàng lọc để sinh con khỏe mạnh”, ngày Thalassemia không chỉ nhắc nhở về nỗi đau âm thầm của hàng nghìn bệnh nhân và gia đình, mà còn kêu gọi hành động từ cộng đồng nhằm giảm thiểu số ca mắc mới, góp phần xây dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh.
Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là một bệnh lý di truyền, xảy ra khi cơ thể không tạo đủ Hemoglobin – một thành phần quan trọng của hồng cầu. Hậu quả là hồng cầu dễ vỡ, dẫn đến tình trạng thiếu máu mạn tính. Người mắc bệnh nặng phải truyền máu định kỳ và thải sắt suốt đời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và tuổi thọ.
Trên thế giới, bệnh Tan máu bẩm sinh ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người với khoảng 500.000 người mắc bệnh ở thể nặng. Ở nước ta, có khoảng trên 13 triệu người mang gen bệnh Tan máu bẩm sinh, tương đương 13% dân số và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm, có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra mắc bệnh mức độ nặng. Việc điều trị kéo dài suốt đời không chỉ gây gánh nặng cho người bệnh và gia đình, mà còn ảnh hưởng lớn đến kinh tế và xã hội.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Một trong những nguyên nhân chính của bệnh Tan máu bẩm sinh là do kết hôn cận huyết. Bệnh này không thể chữa khỏi, tỷ lệ tử vong cao, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh nặng không có cơ hội xây dựng gia đình. Tuy nhiên, có thể phòng bệnh hiệu quả tới tới 90 - 95% bằng biện pháp khám sức khỏe trước khi kết hôn để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con con không mắc bệnh Tan máu bẩm sinh.
Trẻ được lấy máu gót chân sàng lọc sau sinh
Hành động vì cộng đồng không Thalassemia:
Tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân và tầm soát Thalassemia.
Tuyên truyền, giáo dục trong trường học, cơ quan, tổ chức xã hội về bệnh tan máu bẩm sinh.
Lan tỏa thông tin qua các kênh truyền thông, mạng xã hội, các buổi tư vấn cộng đồng.
Kêu gọi sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền, ngành y tế và toàn xã hội để đẩy lùi căn bệnh di truyền này.
Tan máu bẩm sinh hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu mỗi người trong cộng đồng cùng nâng cao nhận thức và hành động kịp thời. Hưởng ứng Ngày Thalassemia Thế giới 8/5, hãy cùng chung tay lan tỏa thông điệp: “Hiểu đúng - Hành động sớm - Sinh con khỏe mạnh”, vì một thế hệ tương lai không còn gánh nặng Thalassemia, vì hạnh phúc của mỗi gia đình và sự phát triển bền vững của xã hội./.