• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người cao tuổi phòng bệnh khi giao mùa Thu - Đông

Hiện nay, thời tiết bước sang giai đoạn giao mùa Thu – Đông, đây là thời điểm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi, phát triển và hoạt động mạnh. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm trong mùa Thu - đông. Đặc biệt, với những người mắc các bệnh mãn tính sức đề kháng yếu như người già và trẻ nhỏ sẽ là đối tượng các bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh mẽ.

Người cao tuổi nằm trong nhóm những trường hợp dễ mắc các bệnh cấp tính cũng như tăng nguy cơ khởi phát bệnh lý nền khi thời tiết thay đổi, dẫn tới “bệnh chồng bệnh”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Trong giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa từ Thu sang Đông như hiện nay, có tình trạng gia tăng số lượng bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng về đường hô hấp, bệnh huyết áp - tim mạch, các vấn đề xương khớp... Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều người cao tuổi mắc sốt xuất huyết phải khám và nhập viện, đây là mối lo ngại lớn vì sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do muỗi vằn gây nên, người cao tuổi mắc sốt xuất huyết sẽ dễ biến chứng, thậm chí bị đe dọa tính mạng.

Giai đoạn giao mùa Thu – Đông ở miền Bắc, thời tiết từ mát mẻ chuyển sang lạnh, ẩm, có khi hanh khô; nhiệt độ có sự chênh lệch giữa ngày và đêm nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, ở người cao tuổi có sự suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan như hệ tim mạch, hệ miễn dịch… khiến người cao tuổi dễ bị mắc bệnh hoặc bệnh tái phát bệnh.

Các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi khi thời tiết giao mùa Thu – Đông gồm:

- Bệnh đường hô hấp: Đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết của mùa lạnh, dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,viêm phổi... dẫn đến biến chứng khó thở, suy hô hấp, có thể tử vong. Những người cao tuổi có hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu, bia thì nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn. Bệnh đường hô hấp hay tái phát khi giao mùa bởi người cao tuổi sức đề kháng kém, hay mắc bệnh mạn tính.

- Bệnh về tim mạch: như tăng huyết áp, đái tháo đường dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tỷ lệ tử vong cao.

- Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, tiêu hóa…

- Các bệnh về cơ, xương, khớp: loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp...

Điều cần lưu ý, nhiều người cao tuổi khi mắc bệnh thường không có biểu hiện rõ rệt, điển hình, dễ tiến triển nặng bệnh, nguy hiểm tính mạng. Ngoài ra, một số người cao tuổi ngại làm phiền con cháu, giấu bệnh, chỉ khi bệnh diễn biến nặng mới đi khám, có thể gây ra những biến chứng nặng, điều trị tốn kém và ảnh hưởng hiệu quả điều trị.

Các biện pháp và phòng bệnh đối với người cao tuổi khi chuyển mùa Thu – Đông như sau:

1. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân đối, hợp lý, đủ chất dinh dưỡng, thức ăn mềm, chia làm nhiễu bữa, đủ lượng chất xơ, uống đủ ít nhất 2 lít nước/ngày để tránh táo bón. Có thể uống bổ sung một số vitamin như: A, B, C, D, E...

2. Sinh hoạt điều độ, vận động hợp lý: duy trì vận động, luyện tập đều đặn ít nhất 15-30 phút/ngày giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, tránh teo cơ cứng khớp, giúp máu lưu thông tốt, tinh thần sảng khoái, góp phần ổn định đường máu, mỡ máu, huyết áp. Khi luyện tập thể dục người cao tuổi cần lưu ý chọn chỗ kín gió, ấm áp, mặc quần áo phù hợp, chọn giày dép có độ ma sát cao tránh trơn trượt trong quá trình vận động. Người cao tuổi cũng cần khởi động kỹ trước khi tập. Người có bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi mãn tính...cần luyện tập phù hợp với sức khỏe.

3.Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nơi ở luôn sạch sẽ, ấm về mùa Đông, tránh ẩm thấp tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút, côn trùng phát triển gây bệnh.

4. Vệ sinh răng miệng; thường xuyên sát khuẩn mũi họng bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.

5. Không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu, bia.

6. Tiêm vắc xin phòng bệnh: Người cao tuổi cần được tiêm phòng các vắc xin để phòng bệnh như: Cúm, Phế cầu...

7. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh truyền nhiễm; nằm màn chống muỗi đốt để phòng bệnh sốt xuất huyết.

8.Những người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính cần khám bệnh định kỳ và tuân thủ điều trị. Khi có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết