Những chuyến xe vội vã, bữa ăn vội vàng của những người vận chuyển âm thầm trong đại dịch COVID-19
21h30 tối 12/5/2021, kíp vận chuyển cấp cứu vừa hoàn thành chuyến ngoại tỉnh về tới cơ quan thì nhận lệnh đón ngay 06 trường hợp, trong đó có 04 sinh viên đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2 và 02 ca F1, tất cả các kíp trực nhanh chóng mặc quần áo bảo hộ và xuất phát. Hơn 1 tháng qua, cứ như vậy, ngoài việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các ca cấp cứu thông thường, Trung tâm Cấp cứu 115 còn đảm nhận 1 nhiệm vụ đặc biêt là vận chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 và đón người tiếp xúc gần F1, F2 vào các bệnh viện, các khu cách ly tập trung.
Quả thực trong thời gian diễn ra dịch bệnh, cùng với các đội điều tra, truy vết thì đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế 115 chính là lực lượng y tế đầu tiên có mặt tại địa bàn khi xuất hiện các ca bệnh dương tính, ca nghi nhiễm trong cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ điều chuyển bệnh nhân đến các nơi quy định.
Cường độ làm việc dày đặc không kể ngày đêm
Họ luôn trong trạng thái sẵn sàng cao nhất, huy động 100% nhân lực, di chuyển liên tục không kể ngày đêm, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, dù Trung tâm Cấp cứu 115 không thuộc diện cách ly tập trung, nhưng cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế của Trung tâm đều tự ý thức cách ly tại đơn vị. Bác sỹ Đặng Phi Hùng – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết: Với tính nguy hiểm của dịch, chúng tôi luôn lo cho sức khỏe của anh em. Chỉ cần một nhân viên 115 dương tính thì coi như hệ thống vận chuyển cấp cứu phải cách ly, tê liệt. Để lường trước tình huống, chúng tôi tổ chức tập huấn cho toàn bộ lái xe ở các đơn vị vị y tế có nhu cầu về những việc cần làm khi vận chuyển ca bệnh, yêu cầu anh em tuân thủ, chấp hành thực hiện để giữ an toàn cho bản thân mình, không để bất cứ ai bị lây nhiễm và đáp ứng nhiệm vụ khi cần. Trước áp lực công việc, sự nguy hiểm của dịch, ngoài trang phục bảo hộ đạt chuẩn cao nhất, công tác khử khuẩn người và xe sau mỗi ca vận chuyển luôn yêu cầu anh em thực hiện ở mức cao nhất. Công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho cán bộ y tế được triển khai đúng quy định.
“Người vận chuyển” âm thầm trong đại dịch
Cường độ làm việc dày đặc không kể ngày đêm, di chuyển liên tục giữa nắng nóng suốt quãng đường dài trong bộ bảo hộ cồng kềnh, khẩu trang N95, kính chuyên dụng và túi bọc giày, không thể dừng lại để ăn uống… những “người vận chuyển” âm thầm trong đại dịch có lúc đuối sức nhưng vẫn luôn cố gắng, đối diện với nhiều rủi ro nhưng không quản ngại.
“Dù công việc vất vả, khối lượng vận chuyển bệnh nhân rất lớn nhưng toàn bộ anh chị em Trung tâm rất hăng hái lao vào nhiệm vụ tuyến đầu, chúng tôi làm việc liên tục, ăn, ngủ đều tranh thủ. Dù nhiều ngày không về nhà, nhớ gia đình, nhớ con, anh chị em mệt nhưng không chùn bước, không đùn đẩy nhau và không chọn việc nhẹ cho riêng mình, chúng tôi đều thấy vui vì mình có thể góp công sức vào công tác phòng, chống dịch. Đồ bảo hộ, thiết bị, kỹ năng và kiến thức luôn sẵn sàng sẽ đảm bảo an toàn cho cả bệnh nhân và kíp thực hiện trong suốt hành trình vận chuyển” – Bác sỹ Trần Quý Bang gần 15 năm công tác trong nghề chia sẻ.
Những chuyến xe vội vã, những bữa ăn vội vàng
Trở lại điểm xuất phát ban đầu, chiếc xe cấp cứu kết thúc chuyến hành trình kéo dài mấy tiếng, không ai bảo ai, cả kíp mau chóng mỗi người một việc khử khuẩn xe, thiết bị, thay đồ, tắm giặt…Chưa kịp cầm bát cơm thì chuông điện thoại đã vang lên, họ lại nhanh như chớp vào vị trí. Những bữa ăn, những ly nước uống, những giấc ngủ vì thế mà trở nên vội vàng, dang dở. Nhiều cán bộ kể lại về những lần dang dở của họ, có khi đầu chưa kịp gội xong hay có lần cắt tóc mới được 1 bên đầu nhưng họ vẫn bỏ dở và nhanh chóng lên đường.
Chỉ tính riêng trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 chưa kể đến những ca cấp cứu thông thường, ngày 17/5, Trung tâm đã vận chuyển 30 chuyến cho 137 người; ngày 19/5, vận chuyển 26 chuyến cho 139 người; ngày 20/5 vận chuyển 26 chuyến cho 139 người và ngày 28/5 vận chuyển 53 chuyến cho 114 người…Đây là những bệnh nhân nặng và người nhà được vận chuyển về tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh sau khi cách ly xong. Tất cả các trường hợp F0, F1, F2 đều được vận chuyển kịp thời khi gọi đến. Tính từ ngày 29/4 đến ngày 03/6, tổng số đã có 340 chuyến, vận chuyển được 1.249 bệnh nhân, trong đó 20 trường hợp F0, 146 F1, 205 F2, gần 900 trường hợp theo dõi khác và đón nhiều chuyên gia từ sân bay về điểm cách ly an toàn.
Một trong những người vận chuyển của Trung tâm, anh Lê Hoàng Nam vui vẻ kể: Đó là những chuyến xe vội vã, những bữa ăn vội vàng, không riêng gì các y, bác sỹ khi có lệnh là anh em lái xe cũng sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ bất kỳ thời điểm nào. Cho dù trải qua nhiều khó khăn, đứng giữa nắng cháy, hay trời mưa dông để đợi chờ đón bệnh nhân, đón công dân, thậm chí đã nhiều lần công dân thiếu hợp tác, nhưng chúng tôi lại kiêm thêm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động để họ thực hiện theo quy định.
Lao vào công việc, hoàn thành trọng trách
Bác sỹ Bùi Thị Bích Ngọc, mặc dù con còn nhỏ, bố đẻ đang bị bệnh ung thư nhưng chị vẫn lao vào công việc, con thì gửi về ông bà nội chăm, bố ốm thì phó mặc cho gia đình. Chị bảo: Nghề chọn mình chứ mình không chọn được nghề.
20h00 tối 03/6/2021, kết nối cuộc điện thoại với BSCKI Nguyễn Thị Việt Hường- Trưởng khoa Bác sỹ gia đình của Trung tâm Cấp cứu 115, liền được chị chia sẻ thông tin: Chiều nay các chị vừa vận chuyển các trường hợp cách ly tại Bệnh viện Phổi về địa phương, bây giờ các chị lại nhận nhiệm vụ vận chuyển ngay 70 người bệnh, người nhà người bệnh từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh về khu Cách ly tập trung KTX Đại học Thái Bình. Chỉ mong thời tiết dịu mát hơn nhưng cũng đừng mưa để anh chị em hoàn thành trọng trách được giao.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cuộc sống của nhân viên y tế ngày càng vất vả hơn, họ phải hy sinh thời gian dành cho gia đình để tận tâm, tận lực góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, những người vận chuyển của Trung tâm Cấp cứu 115 Thái Bình tiếp tục hy sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống COVID-19./.
Hoàng Thía