• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh thoái hóa khớp

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% bệnh nhân bị thoái hóa khớp bị hạn chế về vận động, 25% bệnh nhân không thể thực hiện các sinh hoạt thường ngày. Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến thường xảy ra ở người cao tuổi, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, thậm chí gây tàn phế suốt đời.

  1. Bệnh thoái hóa khớp là gì?

Thoái hóa khớp là tình trạng tổn thương sụn khớp và xương dưới sụn, kèm theo phản ứng viêm, giảm thiểu lượng dịch khớp. Bình thường, sụn khớp nguyên vẹn, trơn láng và cấu trúc xương dưới sụn ổn định. Tuy nhiên, khi khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị bào mòn, xù xì và nặng hơn có thể trơ ra đầu xương dưới sụn. Đồng thời, vùng xương dưới sụn cũng thay đổi cấu trúc dẫn đến phản ứng tạo các chất gây viêm, xuất hiện các triệu chứng như đau, sưng tấy.

Đối với trường hợp nặng, sụn có thể mỏng đến mức không thể che phủ toàn bộ đầu xương. Khi vận động, xương dưới sụn bị cọ xát vào nhau, thậm chí bào mòn lẫn nhau khiến người bệnh cảm thấy vô cùng đau đớn.

  1. Biểu hiện thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp thường có các biểu hiện như đau khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, có tiếng lạo xạo khi cử động, tràn dịch khớp làm vùng khớp bị tổn thương sưng to… Thoái hóa khớp thường xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng có một số vị trí phổ biến như sau:

Thoái hóa khớp gối

Bệnh thoái hóa khớp gối rất phổ biến vì loại khớp này luôn phải gánh chịu một trọng lực rất lớn để giữ cơ thể đứng vững, xoay và di chuyển.

Triệu chứng thường gặp: Đau ở phía trước và bên cạnh đầu gối. Khớp yếu đi khiến đầu gối khuỵu xuống khi phải chịu sức nặng. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng nhẹ ở khớp gối.

Thoái hóa khớp háng

Thoái hóa khớp háng có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc vận động hằng ngày.

Triệu chứng thường gặp: cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối.

Thoái hóa khớp ngón tay, bàn tay

Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Các khớp sưng đau, đặc biệt là khi bệnh vừa mới bắt đầu. Sau đó, các khớp khiến ngón tay có thể hình thành các nốt cứng, trở nên gồ ghề và cong nhẹ.

Thoái hóa cột sống thắt lưng

Thoái hóa cột sống là loại tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân.Giai đoạn đầu, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều, mang vác nặng.

Thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ có biểu hiện là cảm giác đau mỏi phía sau gáy, lan đến cánh tay ở phía có dây thần kinh bị chèn ép ảnh hưởng.

Thoái hóa bàn chân

Thoái hóa khớp ở bàn chân thường tác động vào gốc của ngón cái, có thể làm ngón này bị cứng lại hoặc cong vẹo, khiến cho việc đi đứng trở nên khó khăn và đau đớn.

           Thoái hóa gót chân

B Thoái hóa khớp ở gót chân thường làm bệnh nhân có cảm giác bị thốn ở gót vào buổi sáng, khi bước chân xuống giường và đi vài bước đầu tiên.

  1. Nguyên nhân thoái hóa khớp thường gặp

Bình thường, sụn khớp được tái tạo đều đặn để bảo đảm chức năng khớp. Sau khoảng 30 tuổi, sự tái tạo giảm đi và sự thoái hóa diễn ra nhiều hơn. Thoái hóa khớp chính là sự mất quân bình giữa tái tạo và thoái hóa này của sụn khớp, xương dưới sụn khiến sụn khớp và xương dưới sụn bị tổn thương. Một số yếu tố có thể tác động đến quá trình này: Tuổi tác; Béo phì; Tổn thương khớp; Dị dạng bẩm sinh về khớp; Gen di truyền; Chấn thương khớp…

  1. Thoái hóa khớp có nguy hiểm không?

Mặc dù thoái hóa khớp không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, việc bệnh không trực tiếp gây tử vong không có nghĩa là không nguy hiểm vì thoái hóa khớp sẽ khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh giảm đi rõ rệt, hạn chế khả năng vận động.Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp sẽ làm biến dạng và mất chức năng vận động của khớp, thậm chí tàn phế.

  1. Chế độ ăn khi bị thoái hóa khớp

* Thực phẩm nên ăn

Hạt hạnh nhân chứa nhiều vitamin E, cá hồi giàu vitamin D, cam, bưởi nhiều vitamin C, rau bina chứa nhiều vitamin K. Nên hạn chế và tránh thức ăn chứa nhiều đường và carbohydrate, các thực phẩm chiên và thực phẩm đóng hộp (nhiều muối và chất bảo quản). Ngoài ra cần hạn chế tối đa rượu, không hút thuốc lá vì chúng làm gia tăng kích hoạt các phản ứng viêm của cơ thể.

* Món ăn hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ cũng như cải thiện lối sống, thì người thoái hóa khớp nên sử dụng những món ăn sau đây:

 Canh bí xanh nấu sườn: Bí xanh (500g), sườn heo (250g). Dùng 2 nguyên liệu trên nấu canh nhạt. Món ăn này tốt cho người thoái hóa khớp ở giai đoạn phát cơn, có sưng nhưng ít nóng đỏ, dùng để giải trừ bệnh để giữ gìn sức khỏe, ngừa tái phát.

 Canh mướp đắng nấu đậu phụ: Mướp đắng, đậu phụ mỗi thứ 250g. Món canh mướp đắng đậu phụ, dùng ở giai đoạn nhẹ, phát cơn cấp tính có sưng, bị nóng đau ở mức độ nhẹ.

 Canh đậu xanh, ý dĩ nhân: Đậu xanh (100g), ý dĩ nhân (50g), hoa quế vừa đủ, đường cát. Dùng các nguyên liệu trên nấu canh ăn điểm tâm, ngày ăn 2 lần, có tác dụng chữa giai đoạn cấp tính, khớp bị sưng đỏ nóng và đau rõ rệt, cử động khó khan, hạn chế.

6. Phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là tình trạng gần như không thể tránh khỏi ở người trung niên và cao tuổi. Tuy vậy, vẫn có thể phòng bệnh thoái hóa khớp và làm chậm quá trình này bằng cách xây dựng một chế độ sinh hoạt, tập luyện, dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là từ sau tuổi 40.

Khi lao động và sinh hoạt, cần tránh các tư thế không phù hợp hay các động tác quá mạnh và đột ngột (nhấc xe). Cần thường xuyên vận động, tập thể dục giữa giờ (duỗi cơ). Tránh ngồi xổm, gập gối lâu, ít vận động. Hạn chế tình trạng tăng cân – béo phì để giảm áp lực lên các khớp xương… Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường về khớp, cần đi khám chuyên gia ngay để được tư vấn, chẩn đoán và cải thiện kịp thời.

Sự tổn thương sụn và xương dưới sụn chính là nguồn gốc của thoái hóa khớp. Do vậy, cơ thể cần được cung cấp những dưỡng chất cần thiết để nuôi dưỡng sụn và xương dưới sụn, cân bằng lại quá trình hủy hoại và tái tạo của các tế bào tại đây, từ đó giúp tạo chất nhờn, tăng độ bền và dẻo dai cho khớp, tăng sức mạnh liên kết cơ-gân-sụn khớp.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
CHUYÊN MỤC
LIÊN KẾT WEB