Việt Nam hiện có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn tính
Hiện nay, bệnh thận mạn tính đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hiệp hội Thận học Quốc tế cho biết, bệnh thận mạn đang là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, là nguyên nhân gây tử vong tăng nhanh thứ ba trên toàn cầu và là bệnh không lây nhiễm duy nhất có tỷ lệ tử vong điều chỉnh theo độ tuổi tăng liên tục. Đến năm 2040, bệnh thận mạn tính được dự đoán là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 5 trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn tính, chiếm 12,8% dân số. Điều đáng lo ngại là tình trạng người bệnh suy thận mạn tính tại Việt Nam đang ngày càng trẻ hóa.
Nếu như trước đây, bệnh suy thận chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20% đến 30%.
Lý giải về tình trạng đáng báo động này, các bác sỹ cho biết một số nghiên cứu đã ghi nhận việc ăn nhiều protein, nhiều dầu mỡ, thức khuya thường xuyên có mối liên quan đến việc suy giảm chức năng thận.
Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động… của người trẻ là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận.
Ngoài ra, thói quen tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng bừa bãi không có sự hướng dẫn của các bác sỹ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người suy thận đang ngày càng trẻ hóa.
Bệnh thận có diễn tiến âm thầm nên người bệnh khó phát hiện bệnh sớm, nhiều người chỉ phát hiện ra bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, tức giai đoạn cuối của suy thận mạn, chức năng thận gần như mất hoàn toàn, phải thực hiện chạy thận nhân tạo cả đời hoặc ghép thận nếu muốn duy trì sự sống. Bệnh thận mạn tính được xác định là tổn thương thận kéo dài trên 3 tháng.
Các ghi nhận tại các bệnh viện cho thấy người bị bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, bệnh thận đa nang, bệnh bẩm sinh đường tiết niệu, bệnh phì đại và ung thư tuyến tiền liệt, bệnh lupus ban đỏ hệ thống,... thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao dễ phát triển thành bệnh thận mạn tính. Vì vậy, các chuyên gia y tế lưu ý nhóm đối tượng dễ mắc bệnh thận mạn tính nêu trên cần cảnh giác, khi thấy các biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn điều trị.