Rối loạn chuyển hóa mỡ ở người cao tuổi
Rối loạn chuyển hóa mỡ (lipid) là tăng hay giảm mỡ máu, trong đó tăng mỡ máu là bệnh tương đối phổ biến ở người cao tuổi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và gây nguy hiểm đối với người bệnh.
Sự rối loạn chuyển hóa mỡ gây ra nhiều bệnh mạn tính ở người cao tuổi. Lipid máu và các tiền chất của bệnh mạn tính khác phát sinh do rối loạn chuyển hóa lipid, cuối cùng phát triển thành một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường type 2, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì…
Nguyên nhân gây tăng mỡ máu ở người cao tuổi
Nguyên nhân thứ phát: Các nguyên nhân thứ phát góp phần vào nhiều trường hợp rối loạn lipid máu ở người lớn như:
Lối sống ít vận động thể lực; chế độ ăn quá nhiều tổng lượng calo, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa chứa trong một số thực phẩm chế biến gồm chất béo no hay a xít béo no có trong mỡ động vật, các axit béo có trọng lượng phân tử cao như: stearic, arachic, palmitic.. ở thể rắn; các axit béo có trọng lượng phân tử thấp (butyric, caprinic..) ở thể lỏng; các axit béo no có tác dụng không tốt đối với chuyển hoá mỡ, chức năng gan và phát triển xơ vữa động mạch.
Hút thuốc lá, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, xơ gan mật nguyên phát và các bệnh gan ứ mật khác, suy giáp, lạm dụng rượu, các loại thuốc, chẳng hạn như thiazide, thuốc chẹn beta, các retinoid, thuốc kháng virus, cyclosporine, tacrolimus, progestin và glucocorticoid; estrogen đường uống.
Nguyên nhân tiên phát: Do rối loạn quá trình tiêu hóa, hấp thụ, tổng hợp và dị hóa lipid bẩm sinh, thường hiếm xảy ra ở người lớn.
Biến chứng nguy hiểm khi mỡ máu quá cao
Nếu cholesterol máu tăng cao thì sẽ gây ra hiện tượng tăng huyết áp, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi như: Tăng huyết áp gây ra tình trạng rối loạn tuần hoàn não, nặng hơn gây biến chứng xuất huyết não, nhồi máu cơ tim... Đối với người cao tuổi thì tình trạng xơ vữa động mạch là một nguy cơ xấu cho hệ tim mạch và sẽ gây nhồi máu cơ tim hoặc tắc mạch não, làm nhũn não gây đột quỵ, nếu người bệnh không được cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong.
Phòng tăng mỡ máu ở người cao tuổi
Thông thường thay đổi hành vi và lối sống có thể giúp hạ lipid đáng kể, nếu chỉ thay đổi lối sống không cải thiện được mức cholesterol, người bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ khám, chỉ định dùng thuốc. Thay đổi lối sống bao gồm:
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh cho tim
Về chế độ ăn uống, cách tốt nhất để giảm cholesterol là giảm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nên hạn chế chất béo bão hòa dưới 6% lượng calo hàng ngày và tránh chất béo chuyển hóa.
Giảm các chất béo này có nghĩa là hạn chế lượng thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa làm từ sữa nguyên chất. Thay vào đó hãy chọn sữa tách kem, các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo. Điều này cũng có nghĩa là hạn chế đồ chiên và nấu ăn bằng các loại dầu lành mạnh, chẳng hạn như dầu thực vật.
Chế độ ăn tốt cho tim mạch là trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, gia cầm, cá, các loại hạt và dầu thực vật, đồng thời hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến, thực phẩm và đồ uống có đường và natri.
Hoạt động thể chất nhiều hơn
Lối sống ít vận động làm giảm cholesterol HDL (tốt). Ít HDL có nghĩa là có ít cholesterol tốt để loại bỏ cholesterol xấu khỏi động mạch của bạn. Hoạt động thể chất rất quan trọng. Nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, khuyến nghị tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 đến 6 ngày mỗi tuần là đủ để giảm cả cholesterol và huyết áp cao.
Không hút thuốc lá
Hút thuốc và hút thuốc lá điện tử làm giảm cholesterol HDL. Tệ hơn nữa khi một người có mức cholesterol không lành mạnh cũng hút thuốc thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng cao hơn bình thường. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim, chẳng hạn như huyết áp cao và tiểu đường.
Bằng cách bỏ thuốc, người hút thuốc có thể hạ thấp triglyceride và tăng mức cholesterol HDL. Nó cũng có thể giúp giảm tổn thương và cải thiện chức năng động mạch. Người không hút thuốc nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
Giảm cân
Thừa cân hoặc béo phì có xu hướng làm tăng nguy cơ tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt, nhưng giảm cân chỉ từ 5% đến 10% có thể giúp cải thiện một số chỉ số cholesterol và các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác.
Thực hiện khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm các rối loạn mỡ máu, có chế độ ăn uống, điều trị và tập luyện phù hợp.
Tình trạng tăng mỡ máu là hiện tượng tương đối phổ biến ở người cao tuổi. Tăng mỡ máu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh và gây nguy hiểm đối với người bệnh, nhất là người có tiền sử tăng mỡ máu, tăng huyết áp kèm theo bệnh đái đường./.