• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng bệnh Viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với các biểu hiện đặc trưng gồm thở khò khè, khó thở, suy hô hấp. Bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng, biến chứng nguy hiểm.

Mầm bệnh gây viêm tiểu phế quản ở trẻ sinh sôi và phát triển mạnh mẽ trong điều kiện môi trường mát mẻ, thường là vào khoảng mùa đông và đầu xuân (khoảng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, cao điểm nhất là khoảng tháng 1 và tháng 2). Trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản thường dưới 24 tháng tuổi, trong đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi hoặc có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ trẻ mắc bệnh này trong 12 tháng đầu tiên lên đến 11%.

1.Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ

Nguyên nhân chính gây viêm tiểu phế quản ở trẻ em là do các chủng virus đường hô hấp như: virus Cúm, virus hợp bào hô hấp (RSV – virus Respiratoire Syncytial). Rhinovirus, Adenovirus, virus Parainfluenza... Sau khi virus vào cơ thể người, virus sẽ sinh sôi và phát triển trong cơ thể bệnh nhân, gây nhiễm trùng đường hô hấp trên (mũi, miệng, họng). Sau đó, chúng lan rộng xuống khí quản và phổi gây ra tình trạng sưng, viêm các ống thở, thậm chí, chúng có thể làm chết các tế bào bên trong đường hô hấp. Các chủng virus lây bệnh này thường lây lan khi trẻ tiếp xúc trực tiếp với chất nhầy hoặc nước bọt của bệnh nhân khi hắt hơi, thở khò khè, ho hay nói chuyện.

Bệnh viêm tiểu phế quản do sự xâm nhập của virus hợp bào hô hấp (RVS) là thường gặp nhất, chiếm khoảng 30-50% tổng số ca bệnh. Đây là loại virus có khả năng lây lan và phát triển mạnh mẽ, dễ tạo thành dịch bệnh. Đối với các trẻ trên 02 tuổi, khi nhiễm loại virus này, các biểu hiện thường nhẹ. Ngược lại, đối với các trẻ dưới 02 tuổi, khi nhiễm bệnh, các triệu chứng sẽ xuất hiện nặng hơn. Virus Cúm là nguyên nhân gây khoảng 25% tổng số ca bệnh và Adenovirus gây bệnh chiếm 10%.

2.Những trẻ nào có nguy cơ bị viêm tiểu phế quản

Bệnh viêm tiểu phế quản có thể xảy bất kỳ trẻ em nào, tuy nhiên, một số trẻ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn như:

- Trẻ dưới 02 tuổi, nhất là các trẻ dưới 06 tháng tuổi;

- Trẻ số trong vùng dịch Cúm hay các bệnh về viêm đường hô hấp trên do RSV gây ra;

- Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá;

- Trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ;

- Trẻ sinh non;

- Trẻ đã đi nhà trẻ, mẫu giáo;

- Trẻ có tiền sử mắc các bệnh do virus gây ra như viêm mũi họng, viêm Amidan, viêm VA,…

- Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh: bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi bẩm sinh...

- Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch;

- Trẻ sống trong gia đình có anh, chị bị viêm tiểu phế quản...

3.Dấu hiệu viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Các biểu hiện ban đầu của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh, bao gồm: nghẹt mũi, sổ mũi, ho nhẹ và sốt. Các biểu hiện này thường sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày. Sau đó, trẻ sẽ xuất hiện một hay nhiều biểu hiện trong các dấu hiệu sau:

- Có biểu hiện giống cảm lạnh (sổ mũi, ho nhẹ, sốt);

- Ho nhiều, ho dữ dội;

- Nôn mửa khi ho;

- Sốt cao kéo dài trên 3 ngày;

- Mệt mỏi;

- Cổ, ngực có biểu hiện “lõm vào” rõ ràng khi trẻ hít thở;

- Thở khò khè;

- Khó thở, môi, đầu ngón tay có màu hơi xanh;

- Thở nhanh hơn bình thường;

- Tiêu chảy;

- Mất nước, gặp khó khăn khi uống nước…

4.Biến chứng nguy hiểm bệnh tiểu phế quản ở trẻ em

- Rối loạn chức năng hô hấp;

- Suy hô hấp cấp;

- Tràn khí màng phổi;

- Ngưng thở;

- Viêm phổi;

- Xẹp phổi;

- Viêm tai giữa;

- Hen phế quản…

Các biến chứng trên dễ dẫn đến nguy cơ gây tử vong ở trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản.

5.Lời khuyên của bác sĩ

Viêm tiểu phế quản ở trẻ em là một bệnh về đường hô hấp, dễ đẫn đến biến chứng suy hô hấp, do đó cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Nhất là khi xuất hiện các dấu hiệu tiến triển nặng như: Sốt cao; Khó thở, thở nhanh; Bỏ ăn; Ngủ nhiều hơn bình thường, ngủ li bì, ngay cả khi trẻ bú; Thường xuyên quấy khóc, dễ cáu gắt; Có dấu hiệu mất nước: khô môi, khô miệng, không đi tiểu trong 6-8 giờ; Đối với trẻ sơ sinh: thóp đầu bị lõm vào trong; Khi trẻ thở, xương sườn, dạ dày bị hút vào; Da nhợt nhạt, môi xanh...

Đối với các trẻ sinh non, nhẹ cân, mắc các bệnh về tim, phổi bẩm sinh hoặc có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, khi trẻ có biểu hiện viêm tiểu phế quản, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị sớm.

          6. Một số biện pháp phòng bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em

-  Trước và sau khi chạm vào trẻ, mọi người nên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc vệ sinh bằng cồn; dùng giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt giấy vào thùng rác;

-  Cách ly trẻ với những đứa trẻ khác khi trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm tiểu phế quản và ngược lại nhằm ngăn chặn sự lây lan virus;

-  Giữ ấm cho trẻ; Cho trẻ uống đủ nước mỗi ngày;

-  Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên vì trong sữa mẹ có các kháng thể giúp trẻ chống lại nhiễm trùng và có thể giúp trẻ ngăn ngừa bệnh viêm tiểu phế quản;

-  Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, nhất là khói thuốc lá;

-  Vệ sinh không gian sống, đồ chơi và các đồ vật trẻ thường tiếp xúc sạch sẽ;

- Tránh cho trẻ dùng chung đồ cá nhân như cốc, chén, muống,… với người khác, đặc biệt là những người đang có dấu hiệu sổ mũi, ho, sốt,…

- Mặc dù vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa virus RSV và Rhinovirus (02 nguyên nhân phổ biến gây bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em) nhưng cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng Cúm định kỳ hàng năm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, giúp trẻ tăng sức đề kháng và miễn dịch;

          - Cho trẻ ăn uống đầy đủ, đảm bảo cung cấp đủ 4 nhóm dinh dưỡng chính: Chất bột đường, chất béo, protein, vitamin và khoáng chất…/.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết