Phòng các rối loạn do thiếu Iod
1. Vai trò của Iod trong cơ thể
Iodine (Iod hay I ốt) là vi chất cần thiết để tuyến giáp tổng hợp các hormon giúp điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển các bộ phận trong cơ thể người như hệ tim mạch, tiêu hóa, hệ sinh dục, da, lông, tóc, móng và duy trì năng lượng để cơ thể hoạt động. Hormone Thyroxin của tuyến giáp có vai trò quan trọng cho sự phát triển thể chất và tinh thần, nhất là với trẻ em đồng thời điều hòa chuyển hóa năng lượng. Thiếu Iod dẫn đến việc sản xuất Thyroxin bị giảm sút, dưới sự kích thích của hormon tuyến yên, tuyến giáp phải hoạt động bù nên phì to dần. Tình trạng thiếu Iod quá trầm trọng có thể gây thiểu năng tuyến giáp. Ngoài ra, Iod còn có khả năng tổng hợp protein, chuyển hóa Beta - Caroten thành vitamin A, hấp thụ đường trong ruột non.
2.Các rối loạn do thiếu Iod thường gặp
- Bệnh bướu cổ: Tuyến giáp phì đại do cố gắng hấp thu nhiều Iod hơn từ máu để đáp ứng nhu cầu Iod của cơ thể.
- Suy giáp: Do thiếu Iod kéo dài gây suy giáp với các biểu hiện mệt mỏi, tăng cân, da khô, nhạy cảm với thời tiết lạnh.
- Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em: Những phụ nữ mang thai bị thiếu Iod nặng trong thai kỳ và thời kỳ cho con bú có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi như ảnh hưởng phát triển trí tuệ (có thể gây đần độn), điếc, liệt chi...
- Tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu: Những phụ nữ mang thai bị thiếu Iod nặng trong thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu.
3.Nhu cầu Iod của cơ thể như sau:
- Phụ nữ có thai: Cần lượng Iod nhiều hơn người bình thường, khoảng 200mcg/ngày;
- Phụ nữ cho con bú: Cần lượng Iod nhiều nhất, khoảng 209mcg/ngày;
- Trẻ từ 0 - 6 tháng tuổi. Cần lượng Iod 40mcg/ngày. Với trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ bổ sung Iod cho bé bằng cách tiết qua sữa nên mẹ cần ăn nhiều hải sản, dùng muối Iod hoặc nước mắm có Iod;
- Trẻ đã ăn dặm (6 - 12 tháng): Cần lượng Iod 50mcg/ngày;
- Trẻ từ 1 - 3 tuổi: Cần lượng Iod 70mcg/ngày;
- Trẻ từ 4 - 9 tuổi: Cần lượng Iod 120mcg/ngày;
- Trẻ từ 10 - 12 tuổi: Cần lượng Iod 140mcg/ngày;
- Từ 14 tuổi đến khi trưởng thành: Cần lượng Iod 150mcg/ngày.
4. Nguyên nhân thiếu Iod
- Do chế độ ăn thiếu Iod: Iod có nhiều trong hải sản, rong biển, trứng, sữa và muối Iod. Người sống ở vùng sâu, vùng xa hoặc ít tiếp cận thực phẩm giàu Iod dễ bị thiếu Iod.
- Không sử dụng muối Iod: Nhiều gia đình không sử dụng muối Iod mà chỉ sử dụng muối thường thì không chứa Iod, trong khi muối Iod là nguồn bổ sung quan trọng cho sức khỏe con người.
- Do nhu cầu Iod tăng: Ở những phụ nữ mang thai, trẻ em đang phát triển cần nhiều Iod hơn mà không được bổ sung đầy đủ Iod
5. Đối tượng nguy cơ cao dễ mắc rối loạn do thiếu Iod
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
- Người sống ở vùng sâu, vùng xa, hoàn cảnh khó khăn.
- Người ăn chay, hạn chế muối hoặc không sử dụng muối Iod.
6. Biện pháp phòng các rối loạn do thiếu Iod
- Theo khuyến cáo của WHO, sử dụng muối Iod là biện pháp chủ yếu để phòng, chống các bệnh tật rối loạn do thiếu Iod.Các gia đình cần sử dụng muối Iod (5g muối Iod/ngày) thay cho muối thường trong chế biến thức ăn hàng ngày.
- Bổ sung thực phẩm giàu Iod: hải sản, tảo, rong biển, trứng, sữa...
- Bổ sung Iod (nếu cần) theo chỉ định bác sĩ, đặc biệt với phụ nữ mang thai.
- Mỗi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ăn đủ chất dinh dưỡng. Khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần để phát hiện sớm các rối loạn do thiếu hụt Iod bằng các xét nghiệm đo lượng Iod bài tiết trong nước tiểu, xét nghiệm hormon tuyến giáp (TSH, T3, T4) và các xét nghiệm cần thiết khác.
- Người mắc bệnh các rối loạn do thiếu Iod cần được điều trị bổ sung Iod, dùng thuốc hormon giáp... theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Rối loạn do thiếu Iod là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, tuy nhiên, rối loạn do thiếu hụt Iod có thể phòng được bằng việc sử dụng muối Iod.