• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CẦN PHÁT HIỆN SỚM BỆNH GOUT

Bệnh Gout – hay còn gọi là “thống phong” là bệnh liên quan đến chế độ ăn uống giàu đạm,trước đây hay gặp ở tuổi trung niên và người cao tuổi, hiện nay bệnh Gout đang ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh là yếu tố then chốt giúp kiểm soát hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc điểm của bệnh Gout

Gout là một dạng viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin, làm tăng nồng độ axit uric trong máu. Khi axit uric vượt ngưỡng cho phép, tinh thể urat có thể lắng đọng tại các khớp và mô mềm, gây viêm đau, tổn thương khớp. Bệnh tiến triển mạn tính, theo từng đợt, có thể dẫn đến biến dạng khớp nếu không được điều trị đúng cách.

Nguyên nhân gây bệnh Gout thường do chế độ ăn uống giàu purin như thịt đỏ, hải sản, phủ tạng động vật..., ngoài ra bệnh Gout còn có thể do yếu tố di truyền hoặc rối loạn bài tiết axit uric của thận.

Dấu hiệu của bệnh Gout là các cơn đau khớp đột ngột, dữ dội, khởi phát vào ban đêm hoặc sáng sớm, vị trí hay gặp nhất là khớp ngón chân cái, sau đó có thể lan đến khớp cổ chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay. Đau nhiều về đêm, đau nhói như dao đâm, khớp ngón chân, tay sưng tấy, nóng đỏ, chỉ cần chạm nhẹ cũng đau.

Một số biểu hiện nhẹ hơn nhưng không nên bỏ qua bao gồm cảm giác sưng nề, nóng khớp sau khi ăn nhiều thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, uống bia rượu. Một số người chỉ cảm thấy khó chịu tại khớp, hơi nhức mỏi hoặc khó cử động, thường không để ý và bị bỏ qua.

Trong trường hợp bệnh Gout không được phát hiện sớm, nồng độ axit uric trong máu tăng cao kéo dài, người bệnh có thể xuất hiện các nốt nhỏ, cứng dưới da gọi là cục Tophi. Những nốt này thường thấy ở vành tai, khuỷu tay, mu bàn tay, bàn chân, khớp ngón chân, ngón tay...

Đáng chú ý, nhiều người có nồng độ axit uric cao nhưng chưa xuất hiện triệu chứng nào, đây là giai đoạn tiềm ẩn nguy hiểm, cần được người bệnh chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để ngăn ngừa phát bệnh và biến chứng của bệnh.

Các biện pháp phòng bệnh Gout

Duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn hợp lý, kiểm soát cân nặng để giảm áp lực lên khớp và giảm nguy cơ tăng axit uric. Hạn chế tối đa thực phẩm giàu purin như thịt đỏ, hải sản, phủ tạng động vật..., tránh bia rượu, nước ngọt có gas. Nên uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi và ưu tiên nguồn đạm từ sữa, trứng, đậu phụ...

Tăng cường vận động thể lực phù hợp với thể trạng mỗi người giúp cải thiện sức khỏe toàn diện.

Mỗi người, nhất là người có tiền sử gia đình mắc Gout hoặc đã từng có cơn đau khớp nghi ngờ cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để được khám, làm các xét nghiệm cần thiết như đo nồng độ axit uric máu, siêu âm khớp, chụp X-quang hoặc xét nghiệm dịch khớp. Việc chẩn đoán sớm giúp điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tổn thương khớp không thể phục hồi.

Phát hiện sớm bệnh Gout không chỉ giúp người bệnh sống khỏe, không đau đớn mà còn tránh được nguy cơ biến dạng khớp, suy thận và giảm thiểu chi phí điều trị lâu dài.


 


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết