PHÒNG CHỐNG BỆNH LOÃNG XƯƠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI
1. Bệnh loãng xương là tình trạng xương trở nên giòn, xốp và dễ gãy do thiếu canxi, vitamin D và các khoáng chất cần thiết hay còn gọi là bệnh xương chuyển hóa tiến triển làm giảm mật độ chất khoáng trong xương (khối lượng xương trên một đơn vị thể tích), kèm suy giảm cấu trúc xương.
Xương yếu dẫn đến gãy xương với chấn thương nhỏ hoặc không rõ chấn thương, ở cột sống lưng, thắt lưng, cổ tay và khớp háng (gọi là gãy xương do loãng xương). Bệnh thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng, thường người bệnh chỉ cảm thấy đau mỏi người không rõ ràng, giảm dần chiều cao, gù vẹo cột sống. Đây là những biểu hiện chỉ được phát hiện sau một thời gian dài. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi có những biểu hiện gãy xương.Tình trạng loãng xương sẽ càng trở nặng hơn khi về già vì ở độ tuổi này, mật độ xương không đảm bảo đủ mức cho phép để bảo đảm xương cứng chắc như lúc ở tuổi trưởng thành.
2. Nguyên nhân gây bệnh loãng xương
- Tuổi cao (quá trình hủy xương nhanh hơn tạo xương).
- Thiếu canxi, vitamin D trong chế độ ăn.
- Ít vận động, tiếp xúc ánh nắng mặt trời.
- Mãn kinh (sụt giảm estrogen ở phụ nữ).
- Lạm dụng rượu, thuốc lá, cà phê.
3. Dấu hiệu cảnh báo bệnh loãng xương
- Răng giòn, dễ vỡ, tóc và móng tay dễ gãy rụng...
- Đau âm ỉ vùng lưng, cột sống.
- Giảm chiều cao, gù lưng.
- Dễ gãy xương (cổ tay, cổ xương đùi, cột sống) dù va chạm nhẹ.
4. Biện pháp phòng bệnh loãng xương
4.1.Đảm bảo dinh dưỡng giàu canxi & vitamin D
Ăn thức ăn giàu canxi hoặc bổ sung canxi mỗi ngày.
- Người lớn từ 19 đến 50 tuổi, ăn 3 bữa hoặc cung cấp 1000 mg canxi mỗi ngày.
- Nữ giới trên 50 tuổi, ăn 4 bữa hoặc cung cấp 1200 mg canxi mỗi ngày.
- Nam giới trên 50 tuổi, ăn 3 bữa hoặc cung cấp 1000 mg canxi mỗi ngày.
- Nam giới trên 70 tuổi, ăn 4 bữa hoặc cung cấp 1200 mg canxi mỗi ngày.
- Chế độ ăn giàu Canxi: lựa chọn thực phẩm giàu Can xi như sữa, phô mai, cá nhỏ ăn cả xương (cá mòi), đậu phụ, rau màu xanh đậm (cải xoăn, bó xôi)...
- Chế độ ăn giàu Vitamin D: lựa chọn thực phẩm giàu Vitamin D như: cá hồi, lòng đỏ trứng, sữa tăng cường. Phơi nắng sáng 15–30 phút/ngày (trước 9h).
4.2.Tập luyện phù hợp
- Đi bộ, yoga, thể dục nhẹ nhàng 30 phút/ngày.
- Tránh ngồi lâu một chỗ.
4.3.Xây dựng lối sống lành mạnh
- Hạn chế rượu, thuốc lá, cà phê vì các chất này làm giảm hấp thu canxi.
- Phòng ngã làm gẫy xương: Lắp tay vịn cầu thang, thảm chống trượt, nhà cần đủ ánh sáng.
4.4.Khám sức khỏe định kỳ
- Người trung niên và cao tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ nên khám sức khỏe định kỳ để đo mật độ xương (DEXA).
- Nếu một người có nguy cơ loãng xương hoặc đã bị loãng xương cần uống bổ sung canxi/vitamin D theo chỉ định bác sĩ (tránh dư thừa).
5. Điều trị bệnh loãng xương
- Dùng thuốc theo đơn (Biphosphonate, bổ sung hormone…).
- Có thể sử dụng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng đối với những người bệnh bị gãy xương.
- Một số người cần đeo nẹp lưng để bảo vệ xương, ngăn chặn gãy xương.
Lưu ý:
- Phụ nữ độ tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, người cao tuổi cần chú ý chủ động phòng bệnh.
- Gia đình hỗ trợ người cao tuổi đảm bảo vận động an toàn, ăn uống đủ chất.