• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là căn bệnh thường gặp vào mùa hè, là nỗi lo của mọi người,  với những biểu hiện bất thường về đường tiêu hóa. Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân của hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm lớn trong những năm qua. Ngộ độc do Salmonella có thể biểu hiện từ nhẹ cho tới rất nghiêm trọng và thậm chí gây tử vong.

1. Salmonella là gì?
           Salmonella là một loại vi khuẩn gây ra bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, gọi là bệnh salmonellosis, thường biểu hiện với các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, đau bụng, buồn nôn và nôn. Vi khuẩn này thường có trong ruột của người và nhiều loài động vật, đặc biệt là gia cầm.

 

Nhiễm khuẩn Salmonella xảy ra chủ yếu khi con người tiêu thụ thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm, đặc biệt là thực phẩm không được nấu chín kỹ, hoặc khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vệ sinh tay không đúng cách sau khi chạm vào động vật hoặc môi trường bị nhiễm khuẩn cũng là con đường phổ biến lây truyền bệnh.

         2. Thực phẩm có nguy cơ nhiễm Salmonella: Salmonella có thể hiện diện trong nhiều loại thực phẩm như:

- Thịt sống (đặc biệt thịt gà, thịt lợn),

- Trứng sống hoặc chưa nấu chín,

- Rau củ quả tươi bị ô nhiễm,

- Các sản phẩm chế biến như bơ hạt, bánh nướng, đồ đông lạnh,

- Nước uống không đảm bảo vệ sinh.

          3. Dấu hiệu của nhiễm khuẩn Salmonella: Các dấu hiệu của nhiễm khuẩn Salmonella thường xuất hiện sau 6 – 72 giờ gồm:

- Sốt, đau bụng quặn, tiêu chảy (có thể phân lẫn máu).

- Buồn nôn, nôn mửa, đau đầu.

       Người khỏe mạnh thường hồi phục sau vài ngày mà không cần kháng sinh. Nhưng người cao tuổi, trẻ em, người có miễn dịch yếu có thể gặp biến chứng nặng, nguy hiểm tính mạng hoặc gây tử vong nếu không xử trí kịp thời.

       4. Biện pháp phòng tránh

- Rửa tay sạch: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với động vật (chó, mèo, chim cảnh...).

- Chế biến thực phẩm an toàn: nấu chín thức ăn, ăn ngay sau khi nấu, hâm nóng lại thực phẩm cũ, không ăn tiết canh, gỏi cá.

- Vệ sinh dụng cụ bếp: dùng riêng thớt, dao cho thực phẩm sống/chín, rửa sạch các dụng cụ sau thi chế biến thực phẩm.

- Bảo quản thực phẩm đúng cách: giữ lạnh các thức ăn dễ hỏng, loại bỏ thức ăn ôi thiu, quá hạn sử dụng.

- Đảm bảo nguồn nước sạch, ăn chín, uống sôi: sử dụng nước sạch để rửa và nấu ăn, nước uống phải được đun sôi.

          5. Lưu ý khi tiếp xúc với động vật
           Sau khi tiếp xúc với chó, mèo, gia cầm, bò sát, chim cảnh… cần rửa tay kỹ. Vi khuẩn Salmonella có thể tồn tại trong môi trường sống của động vật mà không gây bệnh cho chúng nhưng có thể gây bệnh cho người.

           Việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe bản thân, gia đình, xây dựng cộng đồng an toàn.


Tác giả: Đoàn Huê
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết