Phòng bệnh Dại mùa hè
Mùa hè là thời điểm bệnh Dại có nguy cơ bùng phát cao do thời tiết nắng nóng, gia tăng tiếp xúc giữa người và động vật. Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh. Cho đến nay, bệnh Dại chưa có thuốc chữa đặc hiệu, người bị bệnh Dại gần như tử vong 100%. Bệnh Dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh Dại.
Bệnh Dại là bệnh nhiễm vi rút cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm vius Dại. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).
Biểu hiện là cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, tê và đau vùng vết thương nơi virus xâm nhập, mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như, sợ ánh sang, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra rối loạn thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tiết nước bọt, hạ huyết áp...
Để chủ động phòng chống bệnh Dại, mỗi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi
- Chó, mèo phải được tiêm phòng dại hàng năm, đặc biệt là vào đầu mùa hè.
- Nuôi nhốt hoặc xích chó khi ra đường, không thả rông để tránh nguy cơ cắn người hoặc tiếp xúc với động vật mang bệnh.
2. Xử lý ngay khi bị chó, mèo cắn
- Rửa vết thương ngay dưới vòi nước sạch và xà phòng liên tục trong 15 phút.
- Sát trùng bằng cồn Iod hoặc cồn y tế.
- Đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời.
3. Nhận biết dấu hiệu của động vật bị mắc bệnh Dại
- Chó/mèo hung dữ bất thường, chảy nước dãi, sợ ánh sáng, nước.
- Động vật bỏ ăn, liệt, chết không rõ nguyên nhân.
- Tuyệt đối không tiếp xúc với chó, mèo nghi bị dại, báo ngay cho cơ quan thú y.
4.Tiêm phòng bệnh Dại: Người bị chó, mèo nghi dại cắn, cào liếm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh. Tiêm phòng dại đầy đủ là biện pháp hiệu quả nhất.
5. Tuyên truyền cộng đồng cùng tham gia phòng bệnh
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Vận động gia đình, hàng xóm, cộng đồng tiêm phòng cho vật nuôi (chó, mèo...).
- Giáo dục trẻ em tránh chơi với chó lạ, không trêu ghẹo chó, mèo...
HÃY THỰC HIỆN NGAY CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI ĐỂ BẢO VỆ BẢN THÂN, GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG!
Chi tiết, liên hệ: Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; Trung tâm Y tế huyện/thành phố hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, địa chỉ: Số 113, Đường Nguyễn Tông Quai, Phường Trần lãm, TP Thái Bình.