Phòng bệnh Tay - Chân - Miệng
Hiện nay, số trẻ em mắc bệnh Tay - Chân - Miệng (TCM) tại tỉnh Thái Bình đang có xu hướng gia tăng, từ đầu năm 2025 đến nay, tỉnh có hơn 200 trường hợp mắc TCM, riêng tuần 18 đã có 40 ca mắc.
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ gây ra bởi virus, có hai loại virus gây bệnh chính là Coxsackievirus và Enterovirus, có thể lây lan bùng phát thành dịch.
Cách phát hiện bệnh TCM
Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ 6 tháng đến 3 tuổi. Khi trẻ bắt đầu biết bò, trườn, đi, tập ăn dặm hoặc đi trường mẫu giáo tiếp xúc nhiều với môi trường xung quanh, nguy cơ lây nhiễm thuận lợi hơn là điều kiện gây bùng phát dịch Tay - Chân - Miệng.
Bệnh Tay - Chân - Miệng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và đường tiêu hóa. Virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc...Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo. Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.
Hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vac-xin dự phòng đối với bệnh Tay – Chân - Miệng. Việc chữa trị chủ yếu là nâng đỡ thể trạng, giảm triệu chứng.
Các biện pháp phòng bệnh TCM
1. Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
- Rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng, nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi đùa, người chăm sóc trẻ cũng cần rửa tay sạch sẽ.
- Tắm rửa sạch sẽ hàng ngày cho trẻ, cắt móng tay cho trẻ để tránh tích tụ vi khuẩn.
2. Vệ sinh đồ dùng cá nhân, môi trường sống
- Khử khuẩn đồ chơi của trẻ, các bề mặt tiếp xúc như bàn ghế, tay nắm cửa, sàn nhà... bằng dung dịch Cloramin B hoặc nước Javel pha loãng.
- Giặt sạch quần áo, khăn mặt của trẻ bằng nước nóng hoặc phơi nắng.
- Tránh dùng chung vật dụng cá nhân như khăn, bát đũa, bình sữa.
3. Ăn uống an toàn
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi, tránh thức ăn sống hoặc ô nhiễm.
- Rửa sạch rau quả trước khi chế biến.
- Đậy kín thức ăn, tránh ruồi nhặng.
4. Tránh tiếp xúc nguồn bệnh
- Không cho trẻ đến nơi đông người khi đang có dịch TCM.
- Cách ly trẻ bị bệnh: Trẻ đang mắc bệnh TCM không đến trường, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7–10 ngày.
5. Tăng cường sức đề kháng
- Cho trẻ ngủ đủ giấc, uống đủ nước.
- Bổ sung các vitaminh trong hoa quả như vitamin C (trong cam, bưởi), kẽm (trong thịt, cá), probiotic (trong sữa chua)... để tăng cường miễn dịch cho trẻ.
6. Theo dõi dấu hiệu bệnh TCM để phát hiện sớm
- Các dấu hiệu của bệnh sớm: Sốt nhẹ, đau họng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay/chân/miệng.
- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh TCM cần đưa trẻ đến cơ sở y tế, không tự ý dùng thuốc tại nhà.
7. Phòng bệnh tại trường học: Nhà trẻ/mẫu giáo cần vệ sinh lớp học hàng ngày, kiểm tra sức khỏe trẻ trước khi vào lớp, xử lý ngay khi có trẻ mắc bệnh.