• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

XỬ TRÍ SỐT Ở TRẺ EM

Khi thấy trẻ em bị sốt, có thể kèm theo rét run, nhiều bậc cha mẹ rất lo lắng và có thể xử lý sai cách. Đặc biệt, nếu trẻ bị sốt kèm theo rét run, ngoài các nguyên nhân khác, có thể là biểu hiện của bệnh sốt rét, cần được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Dấu hiệu trẻ bị sốt, rét run

Hiện tượng rét run, chân tay lạnh nhưng thân nhiệt lại cao thường khiến phụ huynh nhầm tưởng trẻ bị lạnh. Thực tế, đây là dấu hiệu cơ thể đang sốt rất cao, thậm chí lên đến trên 38,5 °C–40°C. Nguyên nhân có thể do trẻ bị nhiễm khuẩn (đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu…), nhiễm vi rút (cúm, tay chân miệng…) hoặc nhiễm ký sinh trùng sốt rét (Plasmodium...) là một bệnh truyền nhiễm do muỗi Anophen đốt hoặc truyền từ mẹ bị sốt rét sang con trong thai kỳ.

Nếu không được xử trí đúng cách, trẻ có thể co giật, mất nước, tổn thương thần kinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

2. Cách xử lý khi trẻ bị sốt

Khi thấy trẻ sốt, kèm theo rét run, cha mẹ cần bình tĩnh, không nên ủ ấm hoặc truyền dịch tùy tiện tại nhà. Cần làm ngay những việc sau:

Hạ sốt đúng cách: Bỏ bớt quần áo, dùng khăn ấm lau ở các vùng nách, bẹn, trán, lưu ý không đắp chăn dày. Cho uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bổ sung nước: Đối với trẻ còn bú thì cho trẻ bú nhiều hơn, cho trẻ uống nước lọc, nước hoa quả, oreso, cháo loãng...

Giữ môi trường phòng thông thoáng: Có thể bật quạt nhẹ hoặc điều hòa nhiệt độ vừa phải.

Nếu trẻ bị co giật, có thể nhét khăn mềm vào miệng trẻ để tránh cắn phải lưỡi, đặt trẻ nằm nghiêng, gọi cấp cứu ngay hoặc đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

3. Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu sau, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, để bác sĩ khám, xét nghiệm để xác định nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị kịp thời, đúng bệnh, kể cả bệnh sốt rét (nếu có), góp phần ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

- Sốt cao liên tục không giảm sau khi hạ sốt.

- Sốt kèm rét run, co giật.

- Mệt lả, bỏ bú, bỏ ăn, ngủ li bì.

- Có dấu hiệu mất nước: da khô, môi khô, đi tiểu ít...

4. Các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần lưu ý

- Sốt là phản ứng phản ứng tự nhiên giúp cơ thể chống lại bệnh tật, nhưng sốt kèm rét run là dấu hiệu cần đặc biệt lưu ý, cha mẹ không tự ý dùng thuốc tại nhà mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc đi khám tại cơ sở y tế.

- Chủ động phòng bệnh bằng thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, dinh dưỡng hợp lý cho trẻ.

- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ ở độ tuổi tiêm chủng để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

- Phòng bệnh sốt rét cho trẻ bằng cách diệt muỗi, bọ gậy, cho trẻ nằm màn tránh muỗi đốt, thoa kem chống muỗi đốt...

- Giữ bình tĩnh, xử trí đúng cách khi trẻ bị sốt cao, sốt rét và đến cơ sở y tế kịp thời sẽ giúp can thiệp sớm, góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng của các cháu.


Tác giả: Thanh Tâm
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết