• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những dấu hiệu trở nặng khi trẻ em mắc bệnh Tay chân miệng

Thế nào là bệnh Tay chân miệng?

Bệnh Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do virus, thường gặp ở trẻ em và có khả năng lây lan rất nhanh, đặc biệt trong môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng gia tăng nhiều vào mùa hè và đầu thu, phổ biến nhất là do các nhóm virus Coxsackievirus và Enterovirus 71 gây ra.

Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, hỗ trợ nâng cao thể trạng, đồng thời theo dõi và xử trí kịp thời các biến chứng. Kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp có bội nhiễm. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều hồi phục sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ trẻ có thể diễn tiến nặng với các biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và có thể dẫn đến tử vong.
Các dấu hiệu cảnh báo bệnh tay chân miệng trở nặng: Sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài quá 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; trẻ giật mình, đặc biệt nếu tần suất tăng dần theo thời gian, là dấu hiệu cảnh báo tổn thương hệ thần kinh trung ương; quấy khóc liên tục, đặc biệt là về đêm, trẻ ngủ không yên giấc, mỗi lần chỉ ngủ 15–20 phút rồi lại thức dậy và quấy khóc. Trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện như khó thở, nôn khan, nôn nhiều, yếu tay chân, đi không vững, liệt nhẹ hoặc co giật.
 


Khi phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở trên, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, xử trí kịp thời, tránh nguy cơ bệnh diễn biến nặng.
Phòng bệnh Tay chân miệng
1.Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ và người chăm sóc bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi thay tã, bỉm. Quần áo, khăn của trẻ cần được giặt sạch bằng xà phòng và phơi dưới ánh nắng.
2.Vệ sinh và khử khuẩn môi trường sống xung quanh trẻ như lau sàn nhà, tay nắm cửa, bề mặt đồ vật bằng dung dịch sát khuẩn mỗi ngày. Đồ chơi, vật dụng, bề mặt tiếp xúc cần được làm sạch và khử khuẩn định kỳ bằng các dung dịch sát khuẩn an toàn như chloramin B.Đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh cho trẻ, sử dụng thức ăn chín và nước uống đã đun sôi. Không để trẻ ăn bốc, mút tay hoặc ngậm đồ chơi. Mỗi trẻ nên sử dụng riêng các dụng cụ ăn uống như cốc, thìa, bát, đũa.
3. Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly tại nhà ít nhất 10 đến 14 ngày, không đưa trẻ đến trường, nơi công cộng để hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
4.Cha mẹ, người chăm sóc cần theo dõi sát các dấu hiệu chuyển nặng để đưa đến cơ sở y tế, xử trí kịp thời.
          5. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em: Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Tay chân miệng nhưng việc tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin khác giúp giảm nguy cơ đồng nhiễm và tăng sức đề kháng cho trẻ. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý, ngủ đủ cũng góp phần nâng cao khả năng chống đỡ bệnh tật.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết