• :
  • :
Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thái Bình: Chuyên nghiệp - Tận tâm - Vì cộng đồng
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không chủ quan với bệnh viêm gan B

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan B (HBV) gây ra, có thể tiến triển âm thầm và kéo dài trong nhiều năm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan và ung thư gan. Hiện nay, viêm gan B vẫn còn khá phổ biến, song nhiều người dân vẫn có tâm lý chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến việc phòng bệnh, dẫn đến hậu quả nặng nề về sức khỏe và kinh tế.

Thực trạng đáng báo động

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2022, có khoảng 254 triệu người trên toàn thế giới đang sống chung với virus viêm gan B, tuy nhiên chỉ 13% trong số đó được chẩn đoán và chỉ khoảng 3% (tương đương 7 triệu người) đang được điều trị bằng thuốc kháng virus. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng  trên 8 triệu người nhiễm HBV, đưa nước ta vào nhóm 10 quốc gia có số người nhiễm viêm gan B cao nhất toàn cầu. Hàng năm, viêm gan B và C là nguyên nhân dẫn đến khoảng 80.000 ca xơ gan, ung thư gan và khoảng 40.000 trường hợp tử vong tại nước ta.

 

Nguy cơ lây nhiễm và biến chứng

Virus viêm gan B lây truyền qua ba con đường chính: qua máu, quan hệ tình dục không an toàn và từ mẹ sang con. Virus có thể tồn tại lâu trong máu và các dịch tiết cơ thể, làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng nếu không được phòng ngừa hiệu quả.

Một vấn đề đáng lưu ý là viêm gan B thường không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nhiều người chỉ phát hiện bệnh khi đã xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan hoặc ung thư gan. Điều này khiến việc điều trị trở nên phức tạp, tốn kém và hiệu quả thấp hơn.

Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Tiêm vắc xin là phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất hiện nay. Trẻ sơ sinh cần được tiêm mũi vắc xin đầu tiên trong vòng 24 giờ sau sinh và hoàn thành các mũi tiêm tiếp theo đúng lịch. Người lớn chưa tiêm hoặc không rõ tình trạng miễn dịch nên chủ động đi tiêm phòng, đặc biệt trong các nhóm có nguy cơ cao hoặc sống chung với người nhiễm HBV.

Xét nghiệm sàng lọc định kỳ là giải pháp quan trọng giúp phát hiện sớm viêm gan B. Phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HBV trong quá trình khám thai để có biện pháp phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con. Thành viên trong gia đình người nhiễm viêm gan B mạn tính cũng nên xét nghiệm máu định kỳ và tiêm phòng nếu chưa có miễn dịch.

Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su và duy trì lối sống lành mạnh giúp hạn chế lây truyền virus HBV.

Cần tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể của người khác. Không dùng chung kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh răng hoặc các vật dụng cá nhân có thể dính máu. Khi thực hiện các thủ thuật y tế, xăm hình hoặc xỏ khuyên cần lựa chọn cơ sở đảm bảo điều kiện vô trùng.

 

Ngoài ra, việc tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và tránh các chất gây hại cho gan như hút thuốc lá, uống rượu, bia cũng góp phần quan trọng trong việc phòng chống và kiểm soát viêm gan B.

Viêm gan B là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được nếu mỗi người chủ động bảo vệ sức khỏe. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ góp phần hạn chế các biến chứng nghiêm trọng do bệnh viêm gan B gây ra và nâng cao chất lượng cuộc sống./.


Tác giả: Ths Hồng Nhung
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết